HỘI THẢO VỀ ỨNG DỤNG PHỔ TÁN XẠ RAMAN TĂNG CƯỜNG BỀ MẶT (SERS) TRONG AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM

Thứ tư - 09/08/2017 12:52
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được cả xã hội rất quan tâm, từ người dân đến người đứng đầu chính phủ.
HỘI THẢO VỀ ỨNG DỤNG PHỔ TÁN XẠ RAMAN TĂNG CƯỜNG BỀ MẶT (SERS) TRONG AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được cả xã hội rất quan tâm, từ người dân đến người đứng đầu chính phủ. Trong vị trí và trách nhiệm của mình, các nhà khoa học nói chung và các nhà vật lý nói riêng đã sớm có những quan tâm và đóng góp đáng kể không chỉ trong việc nâng cao sự hiểu biết và nhận thức đầy đủ của toàn xã hội về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn tích cực nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu mới nhất của KH&CN vào vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện tượng tán xạ Raman tăng cường bề mặt (Surface-Enhanced Raman Scattering - SERS) là sự tăng cường độ tán xạ Raman của phân tử lên rất lớn (có thể đạt 106-1014) khi phân tử này bị hấp phụ trên bề mặt kim loại có vi cấu trúc. Nhờ sự tăng cường độ tán xạ Raman rất mạnh, phương pháp phân tích dựa trên SERS có độ nhạy rất cao và hiện đang được quan tâm nghiên cứu để ứng dụng phát hiện các vi lượng (vết), nồng độ rất nhỏ (cỡ ppb) các phân tử hữu cơ (như của các hợp chất bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, độc tố...). Hơn nữa, do cường độ tín hiệu SERS mạnh hơn rất nhiều lần so với tín hiệu Raman thông thường, người ta có thể phát triển các thiết bị SERS đơn giản, cầm tay phục vụ phân tích tại hiện trường. Như vậy, một thiết bị SERS có thể đáp ứng cùng lúc các yêu cầu về phân tích phát hiện nhanh, nhạy, thực hiện tại hiện trường và chi phí thấp.
ban to chuc hoi thao
 Ban tổ chức Hội thảo
Ngày 26/7/2017, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Vật lý Việt Nam phối hợp với Trung tâm Vật lý Tiến tiến, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN VN tổ chức Hội thảo vè ứng dụng phổ tán xạ Raman tăng cường bè mặt (sers) trong an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mục đích của Hội thảo để tăng cường sự hiểu biết các thông tin thời sự, các nhu cầu thực tế trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam; xây dựng sự hợp tác và liên kết giữa các nhà vật lý, hoá lý và khoa học vật liệu với các nhà khoa học của Bộ Y tế.
Tổ chức và chủ trì Hội thảo có GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu (Chủ tịch Danh dự, Hội Vật lý Việt Nam), GS. Nguyễn Đại Hưng (Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam) và PGS. Nguyễn Thanh Bình (Giám đốc Trung tâm Vật lý tiên tiến). Các đại biểu đến tham dự Hội thảo là các nhà vật lý, hoá lý và khoa học vật liệu đến từ các viện nghiên cứu và các trường đại học ở khu vực phía Bắc và Hà Nội. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế - do PGS. TS. Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng dẫn đầu. Đại diện của Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Bộ KH&CN đã đến tham dự. Trong Hội thảo, có nhiều nhà khoa học có trình độ cao, đang phụ trách các đơn vị và phòng nghiên cứu có nhiều kết quả nghiên cứu liên quan đến ứng dụng phổ tán xạ Raman tăng cường bề mặt (SERS) trong an toàn vệ sinh thực phẩm, như GS. Vũ Xuân Quang (Trường đại học Duy Tân, Đà Nẵng), GS. Đào Trần Cao, GS. Nguyễn Quang Liêm, PGS. Phạm Văn Hội, TS. Trần Quốc Tiến (Viện KH Vật liệu), GS. Lê Hồng Khiêm, PGS. Nguyễn Xuân Nghĩa, TS. Nghiêm Thị Hà Liên (Viện Vật lý), PGS. Nguyễn Tự Cường (Trường đại học Công nghệ) ... cùng nhiều nhà nghiên cứu trẻ. Không khí Hội thảo là rất cởi mở, gần gũi và hợp tác.
Mở đầu Hội thảo, GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu đã nhấn mạnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã sớm được các nhà vật lý quan tâm trong quá trình xây dựng Chương trình phát triển vật lý Việt Nam đến 2020. An toàn vệ sinh thực phẩm hiện là một trong bảy nội dung nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của Chương trình phát triển vật lý Việt Nam đến 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong quyết định 380/QĐ-TTg ngày 24/3/ 2015, cũng như thể hiện trong Quyết định 677/QĐ-KHCN ký ngày 8/4/ 2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt định hướng nghiên cứu ưu tiên ngành vật lý đến 2020 tầm nhìn 2030.
Liên quan đến An toàn vệ sinh thực phẩm, GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu cũng đã thông báo: Ngày 30 tháng 12 năm 2016 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 50/2016/TT-BYT về quy định giới hạn tối đa dư lượng của 208 hợp chất, thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Hiệu lực của Thông tư bắt đầu từ ngày 1/7/ 2017.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học Bộ Y tế đã cung cấp một cách hệ thống các chất độc hại có thể có dư lượng trong thực phẩm như các chất bảo vệ thực vật (gốc clo, lân, carbamate, hoa cúc tổng hợp.), phụ gia thực phẩm, thuốc thú y, độc tố tự nhiên, độc tố vi nấm, chất ô nhiễm từ môi trường. Các nhà khoa học Bộ Y tế cũng trình bày và phân tích các phương pháp hóa - lý hiện đang được sử dụng phổ biến để phát hiện dư lượng các chất độc hại trong thực phẩm. Tuy nhiên, thời gian để thực hiện một phân tích này trong phòng thí nghiệm phải cần khoảng 1 tuần đến 1 tháng. Do vậy, các nhà khoa học Bộ Y tế cho biết nhu cầu rất cấp thiết trong thực tế hiện nay là cần nghiên cứu và phát triển những phương pháp và thiết bị cho phép phân tích phát hiện nhanh, tại hiện trường dư lượng các chất độc hại trong thực phẩm. Mục tiêu và nội dung của Hội thảo khoa học này là rất trúng và đúng sự quan tâm và nhu cầu cấp thiết về cả cuả chuyên môn và của xã hội.
Các nhà vật lý, hoá-lý và khoa học vật liệu đã báo cáo cho Hội thảo các nghiên cứu và kết quả thử nghiệm ở phòng thí nghiệm của mình theo hướng nghiên cứu và ứng dụng phổ tán xạ Raman tăng cường bề mặt (SERS) trong an toàn vệ sinh thực phẩm. Ấn tượng nhiều là các kết quả nghiên cứu của một số phòng thí nghiệm của Viện Khoa học Vật liệu, Viện Han lâm KH&CN VN. Ví dụ PTN của GS. TS. Đào Trần Cao đã có thời gian gần 10 năm nghiên cứu và ứng dụng phổ tán xạ Raman tăng cường bề mặt (SERS), đã có nhiều kết quả nghiên cứu và ứng dụng SERS và đó cũng là các kết quả nghiên cứu đầu tiên về SERS của Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, đã đào tạo thành công 2 tiến sĩ vật lý và khoa học vật liệu với các nội dung nghiên cứu khoa học liên quan trực tiếp sErS...
Độ nhạy phát hiện của phương pháp và thiết bị SERS phụ thuộc rất nhiều vào đế SERS (đế kim loại có vi cấu trúc để hấp phụ phân tử mẫu cần phân tích bằng phương pháp SERS). Do vậy, việc nghiên cứu và chế tạo các đế SERS có các vật liệu, các cấu trúc hay các hình thái... khác nhau đang là những vấn đề KH&CN thu hút rất nhiều sự nghiên cứu của các nhà vật lý, hoá-lý và khoa học vật liệu nhằm tạo được các đế cho hiệu ứng SERS mạnh, ổn định, chi phí thấp và tiện dụng...
Độ nhạy phát hiện của phương pháp và thiết bị SERS phụ thuộc rất nhiều vào đế SERS (đế kim loại có vi cấu trúc để hấp phụ phân tử mẫu cần phân tích bằng phương pháp SERS). Do vậy, việc nghiên cứu và chế tạo các đế SERS có các vật liệu, các cấu trúc hay các hình thái... khác nhau đang là những vấn đề KH&CN thu hút rất nhiều sự nghiên cứu của các nhà vật lý, hoá-lý và khoa học vật liệu nhằm tạo được các đế cho hiệu ứng SERS mạnh, ổn định, chi phí thấp và tiện dụng...
Một vấn đề và mong muốn chung của các nhà vật lý, hoá-lý và khoa học vật liệu trong hợp tác với các nhà khoa học Bộ Y tế là việc phối hợp nghiên cứu thử nghiệm trong thực tế các kết quả nghiên cứu và ứng dụng SERS trong an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại Hội thảo, các nhà khoa học Bộ Y tế khẳng định sự mong muốn và sẵn sàng hợp tác trong nghiên cứu và ứng dụng SERS trong an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ về phương pháp, thiết bị và kinh nghiệm để giúp định lượng và chuẩn hóa dư lượng của các chất độc hại đang quan tâm nghiên cứu.
Kết thúc Hội thảo, GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu đánh giá cao sự quan tâm nghiên cứu và ứng dụng phổ tán xạ Ra- man tăng cường bề mặt (SERS) trong an toàn vệ sinh thực phẩm của các đơn vị nghiên cứu và đào tạo KH&CN, góp phần đáp ứng như cầu cấp thiết của xã hội. Tuy nhiên, đây là vấn đề KH&CN hiện đại, các kết quả đã có chủ yếu mới thu được ở trong phòng thí nghiệm, nên đòi hỏi nhiều nghiên cứu công phu hơn nữa khi đem ra ứng dụng thực tế, điều này yêu cầu có sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị để hỗ trợ nhau về nhân lực, thông tin và kinh nghiệm cũng như cơ sở vật chất... GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu mong rằng các vấn đề KH&CN của Hội thảo này cũng cần được các đơn vị nghiên cứu và đào tạo KH&CN ở các khu vực phía Nam và miền Trung quan tâm tham gia thực hiện, và đề nghị Hội Vật lý Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tổ chức và kiến tạo sự hợp tác giữa các đơn vị KH&CN, đặc biệt với các nhà khoa học và các đơn vị KH&CN của Bộ Y tế liên quan đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hội thảo về ứng dụng phổ tán xạ Ra- man tăng cường bề mặt (SERS) trong an toàn vệ sinh thực phẩm đã thành công tốt đẹp và nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học, hội viên và các đơn vị nghiên cứu KH&CN và các trường đại học.

(Tin và ảnh của N. Đại Đoàn Kết và Vũ Tiến Đức)

Tác giả bài viết: Hội Vật Lý Việt Nam

Nguồn tin: Hội Vật Lý:

 Từ khóa: tin tức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây