GHI NHANH PHÁT BIỂU CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM TRONG LỄ KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP HỘI VẬT LÝ VIỆT NAM

Thứ sáu - 10/03/2017 14:24
Kính thưa các Giáo sư, các nhà khoa học, các vị khách quốc tế. Thưa các vị đại biểu.......
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ý kiến
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ý kiến
Kính thưa các Giáo sư, các nhà khoa học, các vị khách quốc tế. Thưa các vị đại biểu.
Hôm nay, tôi rất vui mừng được tới dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Vật lý Việt Nam. Trước hết, tôi có lời chúc mừng, lời cám ơn Hội Vật lý Việt Nam, các thế' hệ cán bộ, hội viên của Hội cùng cộng đồng vật lý nước nhà nhân 50 năm thành lập Hội, và những cống hiến rất đáng tự hào vào việc phát triển khoa học, phát triển giáo dục nói riêng; vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung.
Tôi xin phép không có phát biểu chỉ đạo, Hội và các cơ quan đã có chuẩn bị đầy đủ, nhưng Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu ngồi cạnh tôi có nói rằng: Phó Thủ tướng có vài lời chia sẻ với anh em cộng đồng vật lý. Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu là người tôi vẫn gọi bằng chú, tôi có cơ duyên được gặp giáo sư từ đã lâu; tôi nhớ lời người xưa nói: đối với người lớn cách thể hiện tôn kính là làm theo lời; tôi nghĩ rằng ý kiến chỉ đạo nếu có, thì duy nhất có một ý kiến đó là chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội hoạt động, để cho ngành vật lý được phát triển.
Kính thưa các đồng chí, ngay đầu giờ sáng hôm nay, tôi cũng đã gặp GS. Nguyễn Văn Hiệu cùng một số đồng
chí trong đó có những đồng chí tôi đã có điều kiện quen biết và làm việc nhiều năm, chúng tôi nói với nhau rằng Việt Nam chúng ta có rất nhiều hội, có nhiều hội khoa học, cả khoa học cơ bản lẫn khoa học ứng dụng, và tất cả các hội đều có quá trình phát triển đầy nỗ lực, sáng tạo và đáng tự hào, trong số đó Hội Vật lý Việt Nam có thể là một hội rất đăc biệt, có những niềm tự hào rất đặc biệt, như trong báo cáo của Chủ tịch Hội đã trình bày trong Lễ kỷ niệm hôm nay. Có thể kể tới những nghiên cứu ứng dụng đã trở thành niềm tự hào không chỉ của giới khoa học, mà của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến. Có thể kể đến những ứng dụng mà thoạt nghe tưởng chừng như không liên quan gì đến ngành vật lý, như việc khai hoang Đồng Tháp Mười; việc kiểm soát lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, đã làm nên triết lý, và chứng minh triết lý "sống chung với lũ" ở đồng bằng sông Cửu Long, mà ngày nay là thích ứng với biến đổi khí hậu; hay là sự việc gần đây giới khoa học, giới sư phạm nước nhà hết sức quan tâm đến hội nhập quốc tế, thể hiện cụ thể bằng việc tham gia các chương trình khoa học, giáo dục quốc tế, bằng việc công bố các công trình khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong số các công bố của các nhà khoa học Việt Nam trên các tạp chí quốc tế thì ngành vật lý chiếm số lớn, và giữ một tốc độ tăng trưởng lớn nhất; và chúng ta cũng rất vui mừng là có một tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam nằm trong danh sách các tạp chí ISI cũng là tạp chí về vật lý. Và còn nhiều thành tựu khác mà chúng ta có thể rất tự hào. Chúng ta tự hào là Hội Vật lý Việt Nam đã có những hội viên, những người gắn bó với Hội đã và sẽ đi vào sử sách của dân tộc như GS. Tạ Quang Bửu, GS. Ngụy Như Kontum, và nếu tôi được phép cũng có thể nói đến GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, người đang ngồi đây, dù tuổi đã cao vẫn hết lòng hết sức không chỉ cho ngành vật lý, cho khoa học, mà cho sự nghiệp đổi mới chung, bằng tất cả trí tuệ và một lòng nhiệt thành vô cùng đáng quý. Nhắc đến điều ấy, tôi muốn nói rằng đây không chỉ là đánh giá của tôi với cương vị là Phó thủ tướng Chính phủ, mà tôi đã có điều kiện nói chuyện với nhiều đồng nghiệp, nói chuyện với nhiều bạn trẻ, và với cả những người dân thường, khi nói đến những tên tuổi tôi vừa nhắc tới, đến những sự kiện, những đóng góp của ngành Vật lý, Hội Vật lý Việt Nam vào sự nghiệp chiến đấu trước đây và vào công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, đều đồng tình và bày tỏ sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn đối với cộng đồng khoa học vật lý nước nhà.
Như gợi ý của GS. Nguyễn Văn Hiệu, nếu muốn chia sẻ một điều làm tôi đau đáu trong lòng nhất, tôi xin phép nói điều này là không có đất nước nào mà hầu hết tất cả các làng mạc đều có nghĩa trang liệt sỹ, đều có người hy sinh, vì thế hơn ai hết người Việt Nam rất muốn sống cuộc sống hoà bình, rất muốn sống cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc. Chúng ta đã có hòa bình, nhưng chúng ta còn rất nghèo! Tôi được giao chỉ đạo xây dựng báo cáo gọi là Báo cáo Việt Nam 2035, trong đó nghiên cứu đề xuất tầm nhìn và hướng đi của Việt Nam 20-30 năm tới. Có hai đồ thị ám ảnh tôi từ đó cho đến tận bây giờ. Đồ thị thứ nhất nói về thu nhập của nước ta so với các nước, đặc biệt là Trung quốc, rất giống với ta, từ đầu thế kỷ 19 đến bây giờ; cho đến năm 1970 các đồ thị giống nhau. Bắt đầu từ các năm 19701980 đều đi lên, con đường đi lên của Trung Quốc sớm hơn và có độ dốc lớn hơn, còn đường của Việt Nam độ dốc kém nhiều. Đồ thị thứ hai biểu thị thay đổi thu nhập tính theo đầu người trong 20 năm tới, với trục tung là thu nhập tính theo đầu người, trục hoành là thời gian có chấm ghi các nước Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, và Việt Nam. Ở Việt Nam là một dẻ quạt gồm 4 đường màu khác nhau ứng với các mức tăng trưởng 4%, 5%, 6% và 7%. Với mức tăng trưởng 7% thì đến năm 2035 Việt Nam sẽ đuổi kịp mức của Hàn Quốc, nhưng ở năm 2002, và mức của Malaysia vào năm 2014. Tôi cũng đã bằng mọi cách nói với anh em, cả anh em quốc tế xem là liệu có thể thêm dẻ quạt thứ 5 với mức tăng trưởng lớn hơn 7% được không? Cuối cùng trong báo cáo xuất bản ra, mà quý vị có thể thấy ở một số Viện nghiên cứu
thì vẫn chỉ có 4 đường dẻ quạt, bởi vì theo tính toán của mọi người với điều kiện bình thường, với nỗ lực đổi mới trong điều kiện vô cùng thuận lợi như hiện nay, mức tăng trưởng cao nhất chỉ là 7%; còn nếu như muốn có đường dẻ quạt thứ 5 phải có những biến đổi đặc biệt về chính sách, về môi trường, và đặc biệt là về tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước; liệu có vượt lên được mà không theo quy tắc thông thường, giống như ta đã làm trong cải tiến tên lửa, phá dỡ bom từ trường trước đây không. Các chuyên gia quốc tế, họ là những nhà khoa học, nhà kinh tế có tiếng nói liên quan đến các tổ chức quốc tế, họ không thể rủi ro đặt thêm dẻ quạt thứ 5 ứng với mức tăng trưởng 8%. Và đương nhiên, chúng ta không chỉ đòi hỏi tăng trưởng nhanh mà tăng trưởng bền vững, tăng trưởng vì người dân, nói theo thuật ngữ bây giờ là phát triển bao trùm, nhưng dù sao tốc độ vẫn rất quan trọng.
Tôi rất lấy làm tiếc và rất xin lỗi, nếu những bộc bạch của tôi lại chuyền cho các nhà khoa học trong ngày vui hôm nay thành một nỗi niềm, và nếu như có là nỗi niềm thì cũng là một thứ lớn lao, để chúng ta phải suy nghĩ, và phải hành động, hành động bằng đẩy mạnh nghiên cứu, bằng đổi mới trong nghiên cứu, bằng đẩy mạnh giáo dục đào tạo, và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, bằng đưa các phát kiến ra xã hội, trong vật lý, liên quan đến vật lý, kể cả trong tư vấn chính sách, phản biện chính sách theo các quy định chúng ta đang làm hiện nay, mà Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, GS.VS. Đặng Vũ Minh rất nỗ lực cố gắng tổ chức làm.
Tôi không học chuyên về vật lý, tôi cũng được các nhà khoa học nói với tôi rằng, thế giới ngày nay có rất nhiều thiết bị, sản phẩm dịch vụ, công nghệ mới rất thông minh; tất cả đều dựa vào phát minh của khoa học cơ bản, tuyệt đại đa số liên quan đến quy luật vận động của vật lý, có nghĩa là có vai trò của ngành vật lý, vì thế tương lai của khoa học, tương lai của thế giới, cũng như của đất nước này đương nhiên phụ thuộc vào rất nhiều thứ, nhưng cộng đồng khoa học, giới khoa học, trong đó giới khoa học vật lý, Hội Vật lý Việt Nam có vai trò không nhỏ.
Tôi rất mong, trong những lần kỷ niệm tới đây, chúng ta vẫn tiếp tục rất tự hào về những điều đã làm được, và chúng ta sẽ thấy phấn khởi hơn, tự tin hơn vì so với lần kỷ niệm 50 năm này thì đất nước, khoa học, giáo dục, và vật lý nước nhà đã có bước tiến dài hơn.
Xin chúc sức khoẻ tất cả quý vị đại biểu, chúc tất cả các bạn thành công. Tôi xin cảm ơn tất cả. Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn các quốc gia, các tổ chức và bạn bè quốc tế luôn sát cánh cùng Việt Nam nói chung, cùng cộng đồng vật lý Việt Nam nói riêng.
Xin cảm ơn!

 

Tác giả bài viết: Hội Vật Lý Việt Nam

Nguồn tin: Hội Vật Lý:

 Từ khóa: tin, ghi nhanh, 50 năm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây