HỘI THẢO ĐỀ XUẤT NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA TRONG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VẬT LÝ ĐẾN NĂM 2020

Chủ nhật - 18/06/2017 23:14
Ngày 14 tháng 4 năm 2017, Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Vật lý Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Đề xuất nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia trong Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020".
Toàn cảnh phiên Hội thảo tại Bộ Khoa học và Công nghệ
Toàn cảnh phiên Hội thảo tại Bộ Khoa học và Công nghệ
HỘI THẢO
ĐỀ XUẤT NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA TRONG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VẬT LÝ ĐẾN NĂM 2020
 
Ngày 14 tháng 4 năm 2017, Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Vật lý Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Đề xuất nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia trong Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020".
Đây là Hội thảo có ý nghĩa quan trọng cho cả các cơ quan quản lý và và đặc biệt cho các nhà khoa học và công nghệ ở các viện nghiên cứu và các trường đại học trong cả nước, sau gần 2 năm tham gia thực hiện Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24-3-2015 trong Quyết định số 380/QĐ-TTg.
Chủ trì Hội thảo là GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu (Chủ tịch Danh dự Hội Vật lý Việt Nam), GS.TS. Nguyễn Đại Hưng (Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam), ông Lê Quang Thành (Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên) và TS. Nguyễn Thị Thanh Hà (P. Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên).
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Vật lý Việt Nam và các thành viên của Tổ công tác Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020. Gần 100 các nhà khoa học vật lý đến từ hơn 30 đơn vị nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, ứng dụng và triển khai công nghệ… trong cả nước đã đến tham dự. Đặc biệt, Hội thảo đã nhận sự quan tâm và tham dự của các nhà quản lý và các nhà khoa học đến từ một số trường đại học và viện nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công An.
Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã Hội và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự  nhiên, Bộ KH&CN phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã cung cấp và giới thiệu cho các đại biểu 3 văn bản quan trọng, liên quan đến việc xác định và xây dựng nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, theo các hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020:
  • Quyết định 380/QĐ-TTg, ngày 24-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020.
  • Quyết định số 677/QĐ-BKHCN ngày 08-4-2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN Phê duyệt định hướng nghiên cứu ưu tiên ngành Vật lý.
  • Thông tư số 07/2014/TT- BKHCN, ngày 26-5-2014 của Bộ KH&CN qui định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng Ngân sách Nhà nước.
Hội thảo đã nghe báo cáo của Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên về tình hình thực hiện Chương trình phát triển vật lý tới năm 2020. Việc xét chọn đề xuất đề tài được thực hiện liên tục trong thời gian thực hiện Chương trình, quy trình xét chọn đề xuất đề tài được thực hiện qua 3 hội đồng chuyên gia khoa học từ cấp Cơ sở, cấp Bộ và đến cấp Chương trình. Cho tới thời điểm Hội thảo, tỷ lệ số đề xuất đề tài  được chấp thuận ở cấp Chương trình đạt khoảng 40% và đã có 09 đề tài KH&CN cấp quốc gia được phê duyệt (tuy nhiên mới có 1 (?) đề tài đang được triển khai thực hiện).
Hạn chế chung của các đề xuất đề tài không được chấp thuận là chưa bám sát để đáp ứng rõ được các yêu cầu chung và yêu cầu riêng đối với một đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia (Thông tư số 07/2014/TT- BKHCN), đó là:
Về các yêu cầu chung:  a) Có tính cấp thiết cao hoặc tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế -xã hội, an ninh, quốc phòng trong pham vị cả nước; b) Các vấn đề khoa học cần phải huy động nguồn lực KHCN của quốc gia hoặc góp phần giải quyết những nhiệm vụ mang tính liên vùng, liên ngành; vấn đề khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng nhằm giải quyết yêu cầu khẩn cấp của quốc gia về an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và phát triển KH&CN; c) Không trùng lặp về nội dung với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện.
GS. TS. Nguyễn Đại Hưng, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Về yêu cầu riêng: Công nghệ hoặc sản phẩm khoa học công nghệ dự kiến có triển vọng lớn tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả nhưng chưa được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam; được hoàn thành ở dạng mẫu và sắn sàng chuyển sang giai đoạn sản xuất thử nghiệm; sản phẩm khoa học công nghệ đảm bảo tính mới, tính tiên tiến so với các kết quả đã tạo ra ở Việt Nam hoặc quốc tế thông qua các công bố trong nước và quốc tế, có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích...
Hội thảo đã nghe các báo cáo, trao đổi và các kinh nghiệm của các đơn vị nghiên cứu và đào tạo KHCN đang thực hiện các đề tài KH&CN cấp quốc gia đã được phê duyệt trong Chương trình PTVL đến 2020.
Các báo cáo đều thống nhất đánh giá cao các cố gắng của Bộ KH&CN trong việc thực hiện Chương trình và cho rằng những yêu cầu đối với đề tài và sản phẩm KH&CN của đề tài KH&CN cấp quốc gia của Chương trình là rất cao, đòi hỏi sự cố gắng và tập trung rất lớn của tập thể thực hiện đề tài kể từ khi đề xuất đề tài đến thực hiện đề tài, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nội dung nghiên cứu và các sản phẩm KH&CN đã đăng ký. Chính vì vậy, một số kinh nghiệm rất bổ ích của các đơn vị trong việc xây dựng và đề xuất đề tài là:
+ Mời các chuyên gia khoa học có uy tín, trình độ và kinh nghiệm tham gia ngay từ đầu vào các hội đồng chuyên gia khoa học cấp cơ sở, cấp bộ để xây dựng đề xuất đề tài.
+ Lựa chọn mời các đơn vị KH&CN và đào tạo thích hợp phối hợp thực hiện đề tài, góp phần giải quyết những nhiệm vụ mang tính liên vùng, liên ngành, hay thực hiện các vấn đề nghiên cứu chung, định hướng dụng khoa học và công nghệ đặc biệt, đặc thù.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu phát biểu tại Hội thảo

+ Tiến hành khảo cứu cụ thể các điều kiện và yêu cầu thực tế để định hướng cho nghiên cứu, đăng ký và thử nghiệm các công nghệ hay sản phẩm KH&CN của đề tài.
+ Cơ quan đăng ký chủ trì đề tài và cán bộ khoa học đăng ký làm chủ nhiệm đề tài phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu và quy định chung.  
  • Các đơn vị nghiên cứu và đào tạo KHCN đang thực hiện đề tài KH&CN cấp quốc gia cũng nhận xét rằng: Thời gian từ lúc gửi đề xuất đề tài tới lúc phê duyệt, ký hợp đồng triển khai thực hiện quá lâu, tính thời sự và cấp thiết của đề tài KH&CN có thể không còn.
TS. Nguyễn Thị Thanh Hà, P. Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên báo cáo tình hình tuyển chọn các đề tài KH&CN cấp quốc gia thực hiện trong Chương trình PTVL đến 2020.
Hội thảo dành nhiều thời gian nhất để thảo luận và đề xuất các đề tài KH&CN có tính cấp thiết cao hoặc tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế -xã hội, an ninh, quốc phòng trong pham vị cả nước, theo 7 định hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của Chương trình trong giai đoạn từ 2017 đến năm 2020.
Đã có đại diện của 22 đơn vị KH&CN và đào tạo đề xuất nội dung cơ bản của hơn 30 đề tài KH&CN. Các đề xuất này tập trung vào các nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng sau của Chương trình: 
  • Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong quan trắc và xử lí môi trường (Đại học quốc gia Tp. HCM, Viện Hàn lâm KH&CN VN, Viện ứng dụng công nghệ - Bộ KH&CN, Đại học Bách Khoa HN- Bộ Giáo dục và Đào tao, Đại học Thái Nguyên, ... )
  • Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong an toàn vệ sinh thực phẩm và y sinh (Trường đại học Quy Nhơn, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công An  và các đơn vị của Đại học quốc gia Tp. HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN VN, …)
  • Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về vật liệu điện từ, điện tử và quang tử (các đơn vị của Đại học Huế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Tp. HCM, Đại học Bách Khoa HN- Bộ Giáo dục và Đào tao, Viện Hàn lâm KH&CN VN...)
  • Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong phát triển một số thiết bị khoa học hiện đại, đặc chủng và đặc thù (các đơn vị của Viện KH&CN quân sự , Học viện KTQS - Bộ quốc Phòng. Viện Hàn lâm KH&CN VN, Viện ứng dụng công nghệ - Bộ KH&CN, Đại học Đà Nẵng …)
PGS. TS. Trương Vũ Bằng Giang , Trưởng ban Ban KH&CN, Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo tình hình thực hiện các đề tài KH&CN của Chương trình PTVL.
 
TS. Nguyễn Thị Kim Dung , Đại diện Vụ KH&CN và MT, Bộ Giáo dục –Đào tạo báo cáo tình hình thực hiện các đề tài KH&CN của Chương trình PTVL.
anh 6
GS. TS.  Nguyễn Văn Hiếu, ITIMS, Trường đại học Bách khoa Hà Nội báo cáo tình hình thực hiện đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL  của đơn vị.
Trong các đề xuất này, nổi bật có các nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của các đơn vị sau: Viện KH&CN quân sự, Học viện KTQS - Bộ quốc Phòng; Đại học Thái Nguyên; Viện ứng dụng công nghệ - Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN VN (Phía Nam); Trường Đại học Quy Nhơn; Đại học QG TP HCM.
Trong phần kết luận Hội thảo, GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu đã phát biểu cảm ơn các cố gắng và cách tổ chức hiệu quả của Bộ KH&CN trong việc thực hiện Chương trình, và nhấn mạnh rằng các đề xuất đề tài nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của các đơn vị, tuy chỉ là một phần của các nội dung và các hoạt động của Chương trình, nhưng góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình (Nâng cao tiềm lực KHCN trong lĩnh vực vật lý, kết hợp đào tạo chất lượng cao với nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên vật lý các trường đại học trong cả nước; Triển khai nghiên cứu một số hướng vật lý hiện đại, làm nòng cốt cho sự phát triển một số lĩnh vực khoa học công nghệ đa ngành, ứng dụng các thành tựu của vật lý vào sản xuất và đời sống…)  
Đại điện Lãnh đạo Bộ KH&CN đã phát biểu cảm ơn các cố gắng và phối hợp hiệu quả của Hội Vật lý Việt Nam trong quá trình xây dựng và thực hiện Chương trình. Bộ KH&CN chia sẻ và ghi nhận các khó khăn và đề nghị của nhà khoa học và sẽ tiếp tục sát cánh, tạo thuận lợi nhất cho các nhà khoa học tham gia Chương trình. Bộ KH&CN một lần nữa đề nghị Hội Vật lý Việt Nam sẽ là cầu nối của Bộ và Chương trình đến các nhà khoa học, đề nghị Hội Vật lý Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thực hiện Chương trình: tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về Chương trình để nâng cao nhận thức về mục tiêu, nội dung,  nhiệm và giải pháp của Chương trình ... đặc biệt trong việc tập hợp và huy động lực lượng nghiên cứu khoa học và công nghệ trong cả nước, xác định những nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng có quy mô lớn, có tính liên vùng, liên ngành, định hướng giải quyết những vấn đề của thực tiễn, và để hỗ trợ các tổ chức KH&CN và đào tạo đề xuất được các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia có tính khả thi cao.
Theo kế hoạch công tác giữa Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Bộ KH&CN và Hội Vật lý Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, hai bên sẽ tổ chức một Hội thảo để đánh giá các kết quả và kinh nghiệm trong việc thực hiện các đề tài KH&CN cấp quốc gia và cấp bộ đã được thực hiện trong Chương trình. Hội thảo này được dự định tổ chức vào Quý 4 năm 2017,
Hội thảo "Đề xuất nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia trong Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020" đã thành công tốt đẹp.
 
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG BUỔI HỘI THẢO TẠI BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
 
anh 7
PGS. TS. Trần Hồng Nhung, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN VN  báo cáo tình hình thực hiện đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL.
anh 8
TS. Trần Quốc Tiến, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN VN báo cáo tình hình thực hiện đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL của đơn vị.
anh 9
PGS. TS. Lâm Quang Vinh , Trưởng ban KH&CN, Đại học Quốc gia Tp. HCM báo cáo tình hình thực hiện các đề tài KH&CN của Chương trình PTVL
anh 10
Nhà khoa học, Đại học Quốc gia Tp. HCM  trao đổi đề xuất đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL.
anh 11
TS. Lê Xuân Chung , Viện KH KT Hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, trao đổi tình hình thực hiện đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL 
anh 12
PGS.TS. Huỳnh Quang Linh, Chủ nhiệm khoa, Khoa Khoa học ứng dung, Đại học Quốc gia Tp. HCM đề xuất đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL.
anh 13
PGS.TS. Phan Bách Thắng, Đại học Quốc gia Tp. HCM  đề xuất đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL.
anh 14
TS. Cao Xuân Hữu, Khoa Điện tử- Viễn thông, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng  đề xuất đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL.
anh 15
GS. TS. Lê Hồng Khiêm, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN VN đề xuất đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL của đơn vị
anh 16
PGS. TS. Võ Thanh Tùng, P. Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Huế   đề xuất đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL.
anh 17
TS. Nguyễn Thị Thủy, Trường đại học Sư Phạm Huế đề xuất đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL.
anh 18
PGS. TS. Trần Ngọc, Trường đại học Quảng Bình đề xuất đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL.
anh 19
PGS. TS. Nguyễn Huy Bằng,  Đại học Vinh, đề xuất đề tài KH&CN trong Chương trình PTVL.

 

Nguyễn Đại Đoàn kết
 

Tác giả bài viết: Hội Vật Lý Việt Nam

Nguồn tin: Hội Vật Lý

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vpshvl.org.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây