Trao đổi ý kiến về một số thuật ngữ vật lí

Thứ tư - 23/10/2019 10:14
Trong bài này, chúng tôi muốn nêu ý kiến thảo luận về việc lựa chọn một số thuật ngữ vật lí tiếng Việt ứng với một số thuật ngữ tiếng Anh.
Bach khoa toan thu
Bach khoa toan thu
1. Tên gọi các hạt
Tên gọi các hạt vi mô trong tiếng Việt đã có các giai đoạn biến đổi khác nhau. Trong cuốn Danh từ Khoa học, GS Hoàng Xuân Hãn đã đề xuất thuật ngữ tiếng Việt cho một số hạt, như: nguyên tử (atom), điện tử (electron), quang tử (photon), phân tử (molecule), từ tử (magneton), trung hòa tử (neutron), pơ-ro-ton (proton)…
Nguyên tử vẫn được dùng cho đến nay và là thuật ngữ tiếng Việt duy nhất ứng với atom.
Phân tử vẫn được dùng cho đến nay và là thuật ngữ tiếng Việt duy nhất ứng với molecule.
Với electron, hiện nay ta dùng phổ biến cả hai thuật ngữ là điện tửelectron. Có lẽ, đây là một trường hợp hiếm, khi hai thuật ngữ cùng được dùng để biểu thị một khái niệm. Điều này cũng cho thấy một xu hướng trong việc tạo lập thuật ngữ. Trước đây, thuật ngữ điện tử được mượn từ tiếng Trung Quốc (电子). Dần dần, do nhu cầu tiếp cận với khoa học phương tây, thuật ngữ electron đã được đưa vào sử dụng và ngày càng được dùng nhiều. Trong các sách giáo khoa phổ thông và đại học, trong ngôn ngữ khoa học hiện nay, thì electron được dùng nhiều hơn điện tử. Liên quan đến electron, thì có từ electronics, mà thuật ngữ tiếng Việt tương ứng là điện tử học. Thuật ngữ này vẫn được dùng một cách duy nhất hiện nay (không có thuật ngữ electronic trong tiếng Việt).
Với neutron, thuật ngữ trung hòa tử hiện nay hoàn toàn không được dùng. Có một thời gian, khoảng những năm 50 của thế kỉ 20, ta dùng thuật ngữ trung tử, mượn từ tiếng Trung Quốc (中子). Tuy nhiên, ngày nay, hầu như không ai biết trung tử là gì. Thuật ngữ ứng với neutron được dùng duy nhất hiện nay là nơtron. Nơtron nên được tiếp tục dùng.
Với magneton, thuật ngữ từ tử (磁子) hoàn toàn không được dùng hiện nay. Ta vẫn thường dùng manheton (theo cách đọc tiếng Pháp) là chủ yếu. Có ý kiến đề nghị dùng magneton (theo cách đọc tiếng Anh). Tôi tán thành phương án này, vì cách viết như vậy giữ nguyên như từ gốc. Cách phát âm sẽ là mac-ne-ton. Một từ có liên quan là magnetron đã được GS Hoàng Xuân Hãn gọi là ống điện từ. Có lẽ thuật ngữ tiếng Việt hợp lí nên là magnetron.
Với proton, thuật ngữ đang được dùng là proton, và nên được giữ như vậy.
Với photon, thuật ngữ đang được dùng phổ biến và gần như duy nhất là photon, và nên giữ như vậy. Thuật ngữ quang tử (光子), mượn từ tiếng Trung Quốc, hầu như không được dùng trong thực tế. Vì vậy, ứng với photonics, là môn khoa học về photon, nên dùng thuật ngữ photonic (mà không dùng quang tử học). Thêm nữa, với tính từ photonic, cũng nên dùng thuật ngữ tiếng Việt photonic, chẳng hạn photonic crystal nên gọi là tinh thể photonic (mà không dùng tinh thể quang tử).  
Với phonon, thuật ngữ đang được dùng là phonon, và nên được giữ như vậy. Thuật ngữ Trung quốc tương ứng là thanh tử (声子) chưa bao giờ được dùng trong tiếng Việt. Do đó, cụm từ electron-phonon interaction nên dịch thành tương tác electron-phonon, thì hay hơn là tương tác điện tử-phonon
Với ion, thuật ngữ đang được dùng là ion, và nên được giữ như vậy. Liên quan đến ion, có từ ionosphere, hiện đang được gọi trong tiếng Việt bằng hai cách: tầng điện litầng ion. Cách gọi tầng điện li là mượn từ tiếng Trung Quốc điện li tằng (电离层), vì ion trong tiếng Trung Quốc là li tử (离子). Vì ta không gọi ion là li tử, có lẽ hợp lí hơn, nên dùng thuật ngữ tầng ion. Cách gọi này không có gì xa lạ, chẳng hạn như ứng với ozonosphere, ta vẫn quen dùng thuật ngữ tiếng Việt tầng ozon (còn trong tiếng Trung Quốc là xú dưỡng tằng, 臭氧层).
 Liên quan đến ion, còn có plasma, là trạng thái thứ tư của vật chất. Thuật ngữ tiếng Việt tương ứng là plasma. Lượng tử dao động plasma là plasmon cũng được gọi là plasmon trong tiếng Việt (trong tiếng Trung Quốc, là đẳng li tử, 等离子). Khoa học về plasma là plasmonics ứng với thuật ngữ tiếng Việt plasmonic.
Với spin, thuật ngữ đang được dùng phổ biến là spin, và nên được giữ như vậy. Thuật ngữ Trung Quốc của spin là tự toàn (自旋) chưa bao giờ được dùng trong tiếng Việt. Ngành khoa học về spin là spintronics được gọi trong tiếng Việt là spintronic
Với các hạt khác như anion, anomalon, cation, baryon, boson, fermion, lepton, meson, polaron, positron, quark…, ta vẫn quen dùng và sẽ tiếp tục dùng các thuật ngữ tương ứng là anion, anomalon, cation, baryon, bozon, fermion, lepton, mezon, polaron, pozitron, quac…  tức là viết giống như từ gốc trong tiếng Anh, nhưng khi cần thiết thì phiên chuyển sang tiếng Việt phù hợp với cách phát âm (như boson thành bozonmeson thành mezon, positron thành pozitron, quark thành quac).
Như vậy, nhìn chung, với các hạt, thì tuyệt đại đa số các thuật ngữ tiếng Việt dùng để biểu thị chúng là các từ có gốc từ tiếng phương tây, chủ yếu là tiếng Anh. Từ có gốc Hán-Việt được dùng rất ít. Điều này nên duy trì vì rất thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế. Hơn nữa, khoa học sẽ còn tìm ra nhiều hạt mới. Việc dùng các thuật ngữ có gốc phương tây sẽ đơn giản hóa việc Việt hóa tên gọi của chúng khi tạo ra các thuật ngữ tiếng Việt tương ứng.
2. Energy band
Trong vật lí chất rắn, có hai khái niệm được nhắc đến nhiều, với tên tiếng Anh là energy bandBrillouin zone. Hiện nay, có hai thuật ngữ tiếng Việt ứng với Energy band đang được dùng nhiều là vùng năng lượngdải năng lượng, và còn một thuật ngữ được dùng ít hơn là miền năng lượng. Thuật ngữ tiếng Việt ứng với Brillouin zonevùng Brillouin.
Tôi đề nghị dùng thuật ngữ dải năng lượng cho Energy band. Có một số lí do cho đề xuất này như sau.
i. Energy band biểu thị sự phụ thuộc hàm số \mathit{E(\overrightarrow{k})}của năng lượng electron E vào vectơ sóng \overrightarrow{\mathbf{k}}. Theo đó, năng lượng của electron lấy giá trị trong những khoảng năng lượng; mỗi khoảng năng lượng đó là một energy band. Người ta cũng hay biểu thị, một cách đơn giản và trực quan, dải năng lượng bằng hình chữ nhật nằm ngang, mà độ cao của nó chính là khoảng năng lượng mà electron có giá trị trong đó. Còn Brillouin zone là một phạm vi giới hạn (ô Wigner-Seitz) của không gian đảo (không gian vectơ sóng \overrightarrow{\mathbf{k}}).
Như vậy, hai khái niệm này được xác định theo các đại lượng vật líkhông gian khác nhau, nên cần được biểu thị bằng hai thuật ngữ khác nhau. Điều này là phù hợp với nguyên tắc mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị một khái niệm duy nhất.
Brillouin zone nên gọi là vùng Brillouin. Energy band nên gọi là dải năng lượng.
ii. Nếu tìm hiểu các thuật ngữ này trong các ngôn ngữ khác nhau, ta thấy:
 
Anh Energy band Brillouin zone
Pháp Bande d’énergie Zone de Brillouin
Nga
Энергетическая зона
Зона Бриллюена
Đức Energieband
Brillouin Zone
Trung 能带 布里渊区
Ba Lan Pasmo energetyczne Zona Brillouina
 
Theo bảng trên đây, trong các ngôn ngữ phương tây và Trung Quốc, trừ  tiếng Nga, có hai thuật ngữ khác nhau cho energy bandBrillouin zone. Energy band trong các tiếng đó (trừ tiếng Nga), đều là dải năng lượng. Tiếng Trung dùng 能带 (năng đới) có nghĩa là dải năng lượng. Còn với vùng Brillouin thì dùng khu ( 区).
Trước đây, khi ngành vật lí chất rắn mới được phát triển ở nước ta (những năm 70, 80 của thế kỉ 20), chúng ta tham khảo chủ yếu sách tiếng Nga, mà trong tiếng Nga thì зона được dùng chung cho cả dải năng lượng và vùng Brillouin. Do đó, thời gian đầu, ta hay dùng vùng năng lượng và vùng Brillouin. Tuy nhiên, những năm 90, chúng ta tiếp xúc nhiều hơn với sách vở và thông tin khoa học từ phương tây. GS Vũ Đình Cự, trong cuốn sách Vật lí chất rắn, xuất bản năm 1997 đã dùng thuật ngữ dải năng lượng. Đến nay, thuật ngữ dải năng lượng đã được dùng khá phổ biến trong các sách, trong các giáo trình về vật lí chất rắn.
3. Displacement
Trong cơ học, displacement có nghĩa là sự dời chỗ, dùng đế mô tả sự thay đổi vị trí của một vật, từ vị trí đầu A đến vị trí cuối B. Displacement cũng là tên của đại lượng vật lí độ dời, biểu thị định lượng cho sự dời chỗ. Nó chính là vectơ \overrightarrow{\textbf{AB}}. Thuật ngữ độ dời đang được dùng rộng rãi trong các sách giáo khoa vật lí. Khái niệm (vectơ) độ dời được dùng để định nghĩa (vectơ) vận tốc. Cần phân biệt khái niệm độ dời với khái niệm đường đi.
Trong điện học, ta có các khái niệm displacement current (ID) và electric displacement vector (\overrightarrow{\textit{D}}) (còn được gọi là electric induction vector). Ta vẫn quen dùng các thuật ngữ tiếng Việt tương ứng là dòng điện dịchvectơ điện dịch, đã được GS Hoàng Xuân Hãn đề xuất trong cuốn Danh từ Khoa học. Các thuật ngữ này nên được giữ nguyên như vậy.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thế Khôi

Nguồn tin: Hội Vật Lý:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vpshvl.org.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Phan Gia Anh Vũ

    Xin chào các nhà khoa học. Hiện nay trong cơ khí động lực và một số ngành có sử dụng thuật ngữ jerk là đạo hàm của gia tốc (acceleration) theo thời gian và snap là đạo hàm của jerk theo thời gian. Tuy nhiên, trong Vật lý chưa có thuật ngữ tiếng Việt tương ứng.
    Tôi xin kiến nghị để hình thành các thuật ngữ tương ứng.
    Trân trọng!

      Phan Gia Anh Vũ   05/12/2021 10:14
Mã bảo mật   

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây