Thảo luận về Xây dựng hệ thống thuật ngữ Vật lý Việt Nam

Thứ sáu - 30/11/2018 23:54
Thuật ngữ khoa học nói chung và thuật ngữ vật lý nói riêng ở nước ta đã có những giai đoạn phát triển. Người đầu tiên biên soạn thuật ngữ khoa học ở nước ta là GS Hoàng Xuân Hãn, với quyển Danh từ khoa học.
Xây dựng hệ thống thuật ngữ Vật lý Việt Nam
Xây dựng hệ thống thuật ngữ Vật lý Việt Nam
HỆ THỐNG THUẬT NGỮ VẬT LÝ VIỆT NAM
1. Đặt vấn đề
        Thuật ngữ khoa học nói chung và thuật ngữ vật lý nói riêng ở nước ta đã có những giai đoạn phát triển. Người đầu tiên biên soạn thuật ngữ khoa học ở nước ta là GS Hoàng Xuân Hãn, với quyển Danh từ khoa học. Khoa học vật lý phát triển nhanh, nên có nhiều khái niệm mới xuất hiện, đòi hỏi có những thuật ngữ phù hợp. Trong những năm gần đây, do nhu cầu của việc nghiên cứu và dạy học vật lý, nhiều thuật ngữ mới đã được sử dụng. Tuy nhiên, một số thuật ngữ được đưa ra một cách tự phát, người này dùng, người khác theo, còn thiếu sự cân nhắc, chọn lựa và sử dụng nhất quán. Cách viết, cách phát âm, nội hàm của nhiều thuật ngữ chưa thống nhất. Trong tình hình hiện nay ở nước ta, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thuật ngữ vật lý để đưa vào sử dụng một cách nhất quán và rộng rãi trong khoa học kĩ thuật và đời sống ở trong nước cũng như trong giao lưu quốc tế là cấp thiết. Việc làm này sẽ góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo vật lý, góp phần vào sự phát triển và làm phong phú tiếng Việt. Việc hoàn thiện hệ thống thuật ngữ vật lý Việt Nam cũng góp phần thực hiện Nhiệm vụ 8 trong Mục II của Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 380/QĐ-TTg. Hội Vật lý Việt Nam đã đề xuất biên soạn cuốn Từ điển vật lý Anh-Việt với mục đích chủ yếu là qua đó xây dựng và phổ cập hệ thống thuật ngữ vật lý Việt Nam theo nghĩa rộng, bao gồm cả thuật ngữ thiên văn học, khoa học vật liệu, khoa học và công nghệ nano và thuật ngữ thuộc những lĩnh vực khoa học, công nghệ liên quan với vật lý. Đề xuất này đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chấp nhận và đang được thực hiện như một nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm, gọi tắt là Đề tài Từ điển vật lý.
Các công việc chủ yếu cần thực hiện của Đề tài Từ điển vật lý bao gồm:
i. Tập hợp đầy đủ nhất các thuật ngữ vật lý tiếng Anh từ các từ điển và các văn bản khoa học.
ii. Tìm các thuật ngữ tiếng Việt ứng với các thuật ngữ tiếng Anh.
iii. Với mỗi thuật ngữ tiếng Việt, có phần giải thích ngắn, nêu nội hàm của thuật ngữ đó.
         Đặc biệt gần đây, ngay sau Đại hội Hội Vật lý Việt Nam khóa VIII, tại Hội thảo “Những nhiệm vụ lớn của ngành vật lý và lĩnh vực đa ngành khoa học và công nghệ vật liệu nước ta” tổ chức ngày 7/7/2018 tại Hà Nội - GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã kêu gọi Hội Vật lý Việt Nam huy động toàn ngành vật lý nước ta tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia: Biên soạn Bách khoa toàn thư Vật lý học, Thiên văn học (Quyển 2) trong Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án này cũng nhằm góp phần xây dựng và phổ cập hệ thống thuật ngữ vật lý học, thiên văn học Việt Nam.
2. Việc xây dựng hệ thống thuật ngữ vật lý Việt Nam
Mục đich cuối cùng của đề tài là xây dựng một hệ thống thuật ngữ vật lý tiếng Việt được chuẩn hóa, đáp ứng đầy đủ nhất các yêu cầu sử dụng trong văn bản và lời nói, được dùng rộng rãi, nhất quán trong cả nước và trong trao đổi quốc tế. Việc xây dựng hệ thống thuật ngữ vật lý tiếng Việt được thực hiện theo một số yêu cầu sau đây:
i. Mỗi khái niệm chỉ được biểu thị bằng một thuật ngữ duy nhất, trừ một số rất ít trường hợp ngoại lệ. Mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị một khái niệm duy nhất.
ii. Hệ thống thuật ngữ vật lý Việt Nam cần bảo đảm tính khoa học, nhất quán, dễ nhớ, dễ sử dụng trong việc đọc và viết, thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, dạy và học, truyền thụ và phổ biến kiến thức trong xã hội, trao đổi khoa học, văn hóa với quốc tế.
iii. Sử dụng, lựa chọn và tạo lập thuật ngữ.
- Nếu thuật ngữ tiếng Việt đã có sẵn, đang được dùng rộng rãi, với nội hàm không có gì thay đổi, thì vẫn được giữ nguyên, và được giải thích theo nội hàm đã được quen dùng
- Nếu thuật ngữ tiếng Việt có sự thay đổi về nội hàm, thì cần giải thích theo nội hàm cập nhật với thực tế.
- Nếu có thuật ngữ tiếng Việt nào đó đang được dùng, nhưng chưa hợp lý, thì nên xem xét và nếu cần, thì thay bằng thuật ngữ khác hợp lý hơn.
- Nếu một thuật ngữ tiếng Anh có nhiều hơn một thuật ngữ tiếng Việt tương ứng, với cùng nội hàm, thì cần lựa chọn một thuật ngữ tiếng Việt làm thuật ngữ chính thức. Các thuật ngữ có nghĩa tương đương còn lại cần được xem xét có nên tiếp tục sử dụng hay loại bỏ hẳn, tùy theo tình hình cụ thể.
- Nếu chưa có thuật ngữ tiếng Việt (ứng với thuật ngữ tiếng Anh nào đó), thì cần tạo lập thuật ngữ vật lý tiếng Việt mới.
iv. Tạo lập thuật ngữ vật lý Việt Nam
- Khi tạo lập thuật ngữ mới, cần ưu tiên sử dụng từ tiếng Việt. Cần chọn từ sao cho nghĩa phù hợp nhất với thuật ngữ tiếng Anh, tức là với khái niệm cần biểu thị.
- Khi không tìm được từ tiếng Việt phù hợp thì có thể dùng từ nước ngoài, thường là tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc tiếng Trung quốc… làm thuật ngữ tiếng Việt. Các từ này được gọi là các từ đã được Việt hóa. Các thuật ngữ này cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ sử dụng về mặt phát âm và viết.
           Các từ có gốc từ tiếng nước ngoài được chuyển âm sang tiếng Việt theo cách đọc của tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, tùy tình hình cụ thể, có chú ý đến cách đang được sử dụng phổ biến nhất. Cách phiên âm và cách viết được thực hiện chủ yếu theo các quy tắc được dùng trong ngành giáo dục, có thay đổi cho phù hợp với thực tế khi cần thiết. Các từ có gốc tiếng Trung Quốc được đọc theo âm Hán-Việt. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng và tạo lập các từ ghép theo quy tắc ngữ pháp Trung Quốc, nhưng gồm những từ vừa Hán-Việt, vừa Việt. Điều này đã xảy ra và đã được chấp nhận, thí dụ bán dẫn, vi sóng, đa mot (ở đây “mot” là thuật ngữ nước ngoài đã được Việt hóa), ampe kế…
3. Sự tham gia của cộng đồng
            Đề tài Từ điển vật lý Anh-Việt và Nhiệm vụ Biên soạn Bách khoa toàn thư Vật lý học, Thiên văn học (Quyển 2) trong Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam - rất mong muốn có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, công nghệ, nhà giáo, sinh viên, học sinh và tất cả mọi người vào việc xây dựng hệ thống thuật ngữ vật lý Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu như đã nêu ở trên. Những công việc cần có sự đóng góp ý kiến rộng rãi của mọi người gồm:
a. Xác định các yêu cầu đối với hệ thống thuật ngữ vật lý Việt Nam.
b. Lựa chọn, sử dụng và tạo lập thuật ngữ vật lý Việt Nam.
c. Đề xuất những thuật ngữ cần thay đổi, những thuật ngữ còn thiếu, cần tạo lập mới.
d. Thảo luận về một số thuật ngữ được nêu trong tài liệu “Thảo luận thuật ngữ vật lý Việt Nam” kèm theo đây. Đề xuất bổ sung các thuật ngữ cần thảo luận.
           Người thảo luận có thể tải tệp “Thảo luận thuật ngữ vật lý Việt Nam” và viết ý kiến của mình vào cột Thảo luận, ở dòng ứng với từng thuật ngữ. Người thảo luận cũng có thể viết ý kiến của mình bằng văn bản word. Người thảo luận nên ghi tên và địa chỉ liên hệ, để tiện cho việc trao đổi khi cần thiết.
           Những ý kiến đề xuất, thảo luận xin gửi vào hộp thư của Đề tài Từ điển vật lý theo địa chỉ tudien.vatli@gmail.com .
           Một số ý kiến trao đổi gửi đến sẽ được đăng tải trên trang tin điện tử (website) của Hội Vật lý Việt Nam. Tất cả những ý kiến gửi đến sẽ được tập hợp, nghiên cứu và dùng làm căn cứ để Đề tài Từ điển vật lý và Nhiệm vụ Biên soạn Bách khoa toàn thư Vật lý học, Thiên văn học (Quyển 2) xây dựng hệ thống thuật ngữ vật lý Việt Nam. Thay mặt Tập thể thực hiện Đề tài và Nhiệm vụ, xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tham gia tích cực của cộng đồng.
 
TM. Tập thể thực hiện Đề tài và Nhiệm vụ
Nguyễn Đại Hưng

Tác giả bài viết: Hội Vật Lý Việt Nam

Nguồn tin: Hội Vật Lý:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vpshvl.org.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây