ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC VẬT LÝ TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

Thứ năm - 10/08/2017 01:09
Trong thời đại ngày nay, thế giới đang có sự biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Thành quả của các cuộc cách mạng công nghiệp, nhất là cuộc cách mạng lần thứ tư, đang mang lại những cơ hội phát triển nhanh chóng và cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là đối với các nước còn chậm phát triển. Mặt khác, môi trường sống tự nhiên cũng như xã hội của con người đang biến đổi nhanh chóng.
logo HVL anh nen
logo HVL anh nen
Chúng ta đang chứng kiến những biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống trên phạm vi toàn thế giới, mà Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt; ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trầm trọng; chính trị, xã hội đang có nhiều biến động. Đứng trước những thách thức của thời đại, không có con đường phát triển nào tốt hơn là con đường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội để bảo đảm phát triển bền vững. Thách thức của thời đại buộc phải đổi mới giáo dục, đó là nhu cầu cấp thiết và là xu thế tất yếu toàn cầu.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Mục tiêu đổi mới được quy định rõ trong Nghị quyết 88/2014/ QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của moi học sinh”.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, “chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới” [2].
Chúng ta đều biết rằng, mục tiêu tối thượng của giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng là phát triển năng lực của con người. Biểu hiện của năng lực là kỹ năng giải quyết một tình huống có ý nghĩa, chứ không phải ở việc tiếp thụ một lượng tri thức rời rạc. Để có thể “góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh” thì việc dạy học tích hợp là một cách thức rất hữu hiệu. Vì thế, tuân theo xu thế phát triển của giáo dục thế giới và điều kiện Việt Nam, bên cạnh việc sử dụng những cách thức giáo dục khác, chương trình giáo dục phổ thông mới đã có những bước đi ban đầu về dạy học tích hợp.
Là một chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông, ^ chương trình môn Vật lý quán triệt đầy đủ quan điểm phát triển, đồng thời góp phần đắc lực vào việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông dưới góc độ vật lý.
Nội dung giáo dục vật lý được phân bố ở cả hai giai đoạn giáo dục, với các mức độ khác nhau. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản được thực hiện qua môn Tìm hiểu tự nhiên (cấp Tiểu học) và môn Khoa học tự nhiên (cấp Trung học cơ sở). Ở giai đoạn giáo dục hướng nghiệp được thực hiện qua môn Vật lý (cấp Trung học phổ thông).
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, thông qua môn Khoa học tự nhiên, giáo dục vật lý giúp học sinh hình thành một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý cơ bản của thế giới tự nhiên, góp phần vào việc hình thành và phát triển thế giới quan khoa học của học sinh, làm nền tảng cho việc học tập ở các mức độ tiếp
theo hoặc có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Ngoài việc góp phần cùng với các môn học khác để phát triển các năng lực chung, môn học này còn nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực chuyên môn: i) nhận thức kiến thức khoa học tự nhiên, ii) tìm tòi và khám phá thế giới tự nhiên, iii) vận dụng kiến thức khoa học tự nhiên vào thực tiễn, iv) ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh việc chú trọng xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, chương trình môn học cũng tính đến điều kiện cơ sở trang thiết bị và đặc biệt là tính đặc thù của đội ngũ giáo viên Trung học cơ sở nên việc tích hợp được thực hiện sao cho các mạch nội dung được cấu trúc một cách khoa học, đồng thời đảm bảo thuận tiện cho việc tổ chức dạy học. Vì thế, chương trình đã được thiết kế để có thể soạn sách giáo khoa, hay bài giảng của giáo viên được thuận tiện cho mỗi phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, ở cả ba lớp: 10, 11 và 12, Vật lý là môn học độc lập, được học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân. Nội dung môn học được thiết kế thành các bài học và các chuyên đề để vừa bảo đảm phát triển tri thức và kỹ năng thực hành trên nền tảng những năng lực chung và năng lực tìm hiểu tự nhiên đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, vừa đáp ứng yêu cầu định hướng vào một số ngành nghề cụ thể.
Ở giai đoạn giáo dục này, chương trình môn Vật lý giúp học sinh có cái nhìn tổng quát bước đầu về Vật lý học, hiểu được vai trò là cơ sở cho nhiều ngành kỹ thuật của Vật lý, một số ứng dụng của Vật lý trong đời sống và trong thực tiễn, đặc biệt là trong những ngành nghề có liên quan. Từ đó, giúp học sinh có cơ sở định hướng cho việc chọn ngành nghề cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tiếp tục học tập, làm việc sau khi hoàn thành Trung học phổ thông và hội nhập quốc tế.
Chương trình môn Vật lý Trung học phổ thông góp phần giúp học sinh củng cố vững chắc các phẩm chất, kỹ năng phổ thông cốt lõi, hoàn thiện dần các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh bước đầu nhận biết đúng năng lực, sở trường của bản thân, có thái độ tích cực đối với môn học. Trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh trong giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình lựa chọn phát triển những vấn đề thiết thực nhất, mang tính ứng dụng cao đối với học sinh trong việc định hướng ngành nghề sau khi hoàn thành Trung học phổ thông.
Chương trình môn Vật lý Trung học phổ thông một mặt kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành và mặt khác, tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đồng thời tiếp cận được với những thành tựu của khoa học giáo dục và khoa học Vật lý phù hợp với trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh phổ thông.
Chương trình môn Vật lý Trung học phổ thông gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung môn học với thực tiễn nhằm rèn luyện cho học sinh kỹ năng vận dụng tri thức vật lý vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống.
Do những yêu cầu khách quan nói trên nên cấu trúc nội dung chương trình môn Vật lý có những thay đổi so với cấu trúc chương trình môn Vật lý hiện hành.
Chương trình môn Vật lý Trung học phổ thông chú trọng đến việc đổi mới phương pháp giáo dục, nhằm góp phần phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo của học sinh học môn Vật lý.
Như chúng ta đã biết, mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đạt chuẩn của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, hoạt động quản lý và phát triển chương trình, nhằm bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học. Phạm vi đánh giá bao gồm toàn bộ các môn học mà học sinh học. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.
Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kỳ ở cơ sở giáo dục, các kỳ đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kỳ đánh giá quốc tế. Kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.
Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong nhóm, trong lớp.
Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức. Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.
Ở Việt Nam, sự thành bại của một chương trình giáo dục phụ thuộc rất mạnh vào việc quan niệm và tổ chức các “kỳ thi”. Chính các “kỳ thi” hiểu không đúng đã góp phần làm méo mó các mục tiêu của kiểm tra, đánh giá trong giáo dục ở nước ta. Nếu không trả lại đúng ý nghĩa của kiểm tra, đánh giá thì các đổi mới trong giáo dục rất khó đạt được mục tiêu mong muốn.

 

Tác giả bài viết: PGS. TS Nguyễn Văn Khánh

Nguồn tin: Hội Vật Lý

 Từ khóa: tin tức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây