Thành tựu trong khoa học và công nghệ Việt Nam của năm 2017

Thứ bảy - 30/12/2017 01:33
Việt Nam tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng GII, lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép phổi từ người sống.
Thành tựu trong khoa học và công nghệ Việt Nam của năm 2017

Dưới đây là những sự kiện, hoạt động, thành tựu khoa học, công nghệ nổi bật của Việt Nam năm 2017 được vinh danh bởi hội đồng bình chọn do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam.

1. Quốc hội thông qua Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Ngày 19/6/2017, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với 458/459 đại biểu tán thành (chiếm 93,28%).

Luật gồm 6 chương, 60 điều, quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; biện pháp khuyến khích, phát triển thị trường khoa học công nghệ; quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ. Luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ.

Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

2. Việt Nam tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2017 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Đại học Cornell và Viện nghiên cứu INSTEAD công bố ngày 15/6/2017 tại Geneva, Thụy Sĩ. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 47/127, vượt 12 bậc so với năm 2016, và là thứ hạng cao nhất từng đạt được.

Thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo GII 2017.

Thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo GII 2017.

Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí thứ ba năm 2016). Trong khu vực Đông Nam Á - Đông Á - châu Đại Dương, Việt Nam xếp thứ 9. Trong ASEAN, Việt Nam vươn lên đứng trên Thái Lan.

Việt Nam được đánh giá có thế mạnh trong các trụ cột về Sản phẩm kiến thức và công nghệ (xếp hạng 28/127); Trình độ phát triển của thị trường (xếp hạng 34/127); Sản phẩm sáng tạo (xếp hạng 52/127).

3. Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”

Ngày 4/1/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị nhằm nhìn nhận lại những kết quả, hạn chế của khoa học và công nghệ trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo để đưa khoa học, công nghệ đóng vai trò trọng yếu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đầu cầu Trung ương tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, đầu cầu địa phương tại 63 tỉnh, thành phố

4. Trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt V

Ngày 15/1/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt V cho các nhà khoa học ưu tú, tiêu biểu của cả nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và trao giải cho các tập thể cá nhân của 16 công trình, cụm công trình đạt giải.

Chín công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, bảy công trình đạt giải thưởng Nhà nước đều có giá trị cao về khoa học và công nghệ, hiệu quả kinh tế xã hội lớn, đã và đang được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực mũi nhọn gồm y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, thủy lợi, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.   

5. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi từ người sống

Ngày 21/2, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y đã phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi cho bệnh nhi 7 tuổi là Ly Chương Bình (người dân tộc Dao ở huyện Quản Bạ, Hà Giang).

Hai người cho một phần phổi là bố và bác ruột của bệnh nhi. Bình được cắt bỏ toàn bộ hai lá phổi, sau đó lấy một thùy phổi từ bố và một thùy từ bác ruột để ghép.

Đây là kết quả của đề tài "Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não" thuộc chương trình KC.10/16-20 do Bộ Khoa học và Công nghệ giao Học viện Quân y thực hiện.

Ca ghép phổi cho bệnh nhi 7 tuổi. Ảnh: Bệnh viện Quân y 103

Ca ghép phổi cho bệnh nhi 7 tuổi. Ảnh: Bệnh viện Quân y 103

6. Xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Từ khóa của lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2017 là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu được coi là vấn đề nóng đối với nền nông nghiệp.

Để giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai, nhiều địa phương đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cấu trúc nền kinh tế, áp dụng mô hình cánh đồng lớn kết hợp nuôi trồng xen canh.

Các trung tâm nghiên cứu đưa ra nhiều mô hình tương thích với đặc điểm khí hậu, thời tiết khu vực. Các doanh nghiệp bắt đầu đầu tư, chú trọng vào phát triển trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đặc biệt là những đề tài nghiên cứu khoa học được chuyển giao thành công cho doanh nghiệp. 

7. Trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất nhà Quốc hội”

Tại văn bản ngày 25/5/2010, Thủ tướng đã giao Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chủ trì tổ chức thực hiện dự án "Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm nhà Quốc hội". Sau gần 5 năm (2012-2017), Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã hoàn thành dự án.

Tầng hầm thứ nhất trưng bày giới thiệu về di tích, di vật thời kỳ Thăng Long (từ thời Lý, Trần đến thời Lê, thế kỷ 15-18), trong đó điểm nhấn là giới thiệu về thời nhà Lý. Tầng hầm thứ hai trưng bày giới thiệu về di tích, di vật thời kỳ Tiền Thăng Long, bao gồm thời Đại La (thế kỷ 7-9) và thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10), trong đó giới thiệu cơ tầng văn hóa tạo dựng nên nền văn hóa Đại Việt.

Nét mới và mang tính đột phá của dự án là đưa ra nhiều giải pháp công nghệ như công nghệ 3D, phim (media) để trình chiếu, minh họa tại không gian trưng bày.

Không gian trưng bày dưới lòng đất nhà Quốc hội. Ảnh: VGP

Không gian trưng bày dưới lòng đất nhà Quốc hội. Ảnh: VGP

8. 20 năm Việt Nam chính thức kết nối mạng Internet toàn cầu

Ngày 19/11/1997 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành thông tin truyền thông - Việt Nam mở cửa đón Internet. Từ con số 0 vào những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đang sở hữu nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin hiện đại, phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả miền núi, hải đảo.

Hàng trăm dịch vụ công trực tuyến được triển khai ở mức độ 3, 4 tại nhiều địa phương, bộ, ngành mang lại tiện ích, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp

4G - mạng viễn thông thế hệ mới

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cơ bản dựa trên kết nối viễn thông: kết nối băng rộng, kết nối vạn vật. Nếu như mạng 1G là cố định, 2G là di động (thoại), 3G là lưỡng tính giữa thoại và data thì 4G là data, sử dụng công nghệ bốn thu, bốn phát. Theo Erricsson, đây là mạng lớn nhất, được đầu tư nhanh nhất thế giới. Việt Nam dù đứng thứ 160 về kinh tế nhưng đã đầu tư được một mạng lưới viễn thông lớn nhất thế giới.

9. Hoạt động khoa học và công nghệ trong khuôn khổ năm APEC Việt Nam 2017

Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối quốc gia về hợp tác khoa học và công nghệ trong Cơ chế hợp tác đối tác chính sách khoa học và công nghệ, đổi mới (PPSTI). Trong năm APEC Việt Nam 2017, Bộ đã tổ chức thành công cuộc họp thường niên của Cơ chế PPSTI-9 và PPSTI-10; tích cực phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Ban Thư ký APEC quốc tế và các đơn vị liên quan chuẩn bị các nội dung cho Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.

Với tư cách là Chủ tịch của SCSC 2017, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chủ trì và tổ chức thành công nhiều sự kiện của SCSC trong khuôn khổ hội nghị quan chức cấp cao APEC. Có 14 hội nghị/hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng như ISO, IEC, APLAC, OIML...

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chủ động đưa ra sáng kiến “Chia sẻ thực hành tốt nhất về việc áp dụng tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp đối với đô thị thông minh trong khu vực APEC” và đã được Ban thư ký APEC, các nền kinh tế thành viên đánh giá cao.

Tác giả bài viết: Thanh Tâm

Nguồn tin: Báo Vnexpress

 Từ khóa: tin, internet, sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây