Lev Davidovich Landau (tiếng Nga: Лев Давидович Ландау) là nhà vật lý nổi tiếng Liên Xô, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, giải Nobel Vật lý... đã rất quen thuộc với các nhà vật lý nước nhà thuộc nhiều thế hệ từ khoảng sáu chục năm nay, nhất là những người đã được đào tạo thành tài ở Liên Xô như các cố Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Đình Tứ, Vũ Đình Cự, Võ Hồng Anh, Phan Văn Thích., GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, GS.VS. Đào Vọng Đức, GS.TS. Cao Chi, GS.TSKH. Nguyễn Châu, GS.TSKH. Đinh Văn Hoàng, GS.TSKH. Thân Đức Hiền, GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, PGS.TS. Nguyễn Xuân Chánh. Tuy vậy với độc giả nói chung nhất là các độc giả trẻ chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với Vật lý chắc chắn mới chi nghe qua về ông.
TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC
Ông sinh ngày 09(22)-01-1908 tại Baku, mất ngày 01-4-1968. Khi nhỏ theo học tiểu học tại trường Do Thái ở Baku, nơi mẹ ông là một giáo viên môn khoa học tự nhiên, đã tỏ ra là người có năng khiếu về Toán học. Năm 14 tuổi (1922), ông học Đại học Baku, cùng lúc tại các khoa: Toán học, Vật lý và Hóa học.
Năm 16 tuổi (1924), vì thành tích xuất sắc ông được chuyển giao cho Trường Đại học Leningrad, đến sống với người dì là Nha sĩ Maria Lvovna Braude (1873 ÷ 1970). Sau khi tốt nghiệp về Vật lý và Toán học tại Trường Đại học Leningrad (1927), Landau trở thành nhân viên của Viện Vật lý Kĩ thuật Leningrad.Vào năm 1926 ÷ 1927, ông công bố công trình đầu tiên về Vật lý Lý thuyết. Năm 19 tuổi (1927), Landau có một đóng góp cơ bản cho Lý thuyết Lượng tử (Quantum Theory) - giới thiệu các khái niệm về Ma trận Mật độ (Density Matrix Method) như một phương pháp để hoàn thành các mô tả Cơ học Lượng tử (Quantum Mechanics) của hệ thống là một phần của một hệ thống lớn hơn. Khái niệm này đã trở thành cơ sở của Thống kê Lượng tử (Quantum Statistics).
Các năm 1929 ÷ 1931, theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân về giáo dục thường xuyên, ông đã có nhiều hoạt động khoa học tại Đức, Đan Mạch, Anh và Thụy Sĩ. Tại Đại học Berlin, ông đã gặp Albert Einstein (1879 ÷ 1955). Tại Leipzig ông gặp Werner Karl Heisenberg (1901 ÷ 1976). Tại Copenhagen, ông đã làm việc với Niels Henrik David Bohr (1885 ÷ 1962). Tại Cambridge, ông gặp Pyotr Leonidovich Kapitsa (Peter Kapitza, 1894 ÷ 1984).
Khi làm việc tại Copenhagen với Niels Bohr, Landau thường xuyên liên lạc với các nhà vật lý nổi tiếng, trẻ tuổi như mình: Werner Karl Heisenberg, Wolfgang Ernst Pauli (1900 ÷ 1958), Rudolf Ernst Peierls (1907 ÷ 1995), Eugene Paul Wigner (1902 ÷ 1995), Paul Adrien Maurice Dirac (1902 ÷ 1984)... Tại thời điểm đó, ông đã hoàn thành các tác phẩm kinh điển về Nghịch Từ của Khí Điện tử (Landau Nghịch Từ) và Cơ học Lượng tử Tương đối tính.
Đầu năm 1931, Landau trở lại Viện Vật lý Kĩ thuật Leningrad, nhưng không ở lại đó để làm việc vì bất đồng với Abram Ioffe.
Những năm 1932 ÷ 1937, Landau đứng đầu bộ phận Lý thuyết của Viện Vật lý Kĩ thuật Ucraina (UPTI) tại Kharkov, cùng lúc, ông đứng đầu bộ phận Vật lý Lý thuyết tại Khoa Vật lý và Cơ học, Viện Cơ khí Kharkov (đổi tên thành Trường Đại học Kĩ thuật Quốc gia "Viện Đại học Bách khoa Kharkov").
Tháng 9 - 1935, ông được bổ nhiệm làm giảng viên tại Khoa Vật lý Lý thuyết của Đại học Kharkov, do Gregor Piatigorsky đứng đầu (1935 ÷ 1940). Vào tháng Mười năm đó tại Khoa Vật lý Thực nghiệm tại Đại học Kharkov (KSU).
Đầu năm 1937, ông được bổ nhiệm làm Trưởng bộ phận Lý thuyết của Viện Vật lý mới thành lập (IFP) và chuyển đến Mátscơva…
Ngày 07-1-1962, trên đường cao tốc từ Mátscơva đến Dubna, Landau bị tai nạn xe hơi, gãy nhiều xương, chấn thương và xuất huyết não, nằm hôn mê 59 ngày.
Các nhà vật lý trên khắp thế giới đã tham gia tích cực vào việc giành lại cuộc sống cho Landau. Mặc dù bị chấn thương rất nghiêm trọng, nhờ thuốc men được chuyển đển bằng máy bay từ Châu Âu và Hoa Kỳ… các thày thuốc giỏi của Liên Xô và Thế giới đã cứu sống Landau.
Sau tai nạn, Landau hầu như không còn tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học. Ông qua đời ngày 01-4-1968, một vài ngày sau phẫu thuật cấp cứu loại bỏ tắc ruột vì tắc nghẽn động mạch do huyết khối. THÀNH TÍCH VÀ KHEN THƯỞNG
Các công trình nổi tiếng của Landau về Vật lý Lý thuyết có thể kể tới:
Phương pháp Ma trận Mật độ ứng dụng trong Cơ học Lượng tử; Lý thuyết Lượng tử về Nghịch Từ (Diamagnetism); Lý thuyết về hiện tượng Siêu Chảy (Superfluidity); Lý thuyết về Chuyển Pha bậc 2 (Second-order Phase Transitions); Lý thuyết Ginzburg-Landau về Siêu Dẫn (Superconductivity); Lý thuyết Chất Lỏng Fermi (Fermi Liquid); Sự Tắt dần Landau trong Vật lý Plasma (Landau Damping in Plasma Physics); Điểm cực Landau trong Điện động lực học Lượng tử (Landau Pole in Quantum Electrodynamics)...
Ông đoạt giải Nôbel Vật lý năm 1962 vì đóng góp trong Lý thuyết Toán của sự Siêu Chảy.
Ông là người sáng lập và tác giả (cùng với Evgeny Mikhailovich Lifshitz, 1915 ÷ 1985) của Bộ giáo trình các Môn học cơ bản kinh điển của Vật lý Lý thuyết nổi tiếng1, xuất bản trên 20 thứ tiếng.
Ông là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (từ 1946), Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa (1954), Huy chương Max Planck (Đức, 1960), Giải thưởng Fritz London (1960), Giải thưởng Lênin (1962), 3 Giải thưởng Nhà nước (1946, 1949, 1953).
Ông là Thành viên nước ngoài của: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Đan Mạch (1951), Học viện Khoa học Hoàng gia Hà Lan (1956), Hội đồng Hoàng gia London (1960), Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (1960), Học viện Mĩ thuật và Khoa học (1960), Viện Hàn lâm Khoa học "Leopoldina" (1964).
Tại Baku (nơi ông sống cho đến năm 1924) có tấm bảng tưởng niệm trên bức tường của một ngôi nhà ở Viện Vật lý Lý thuyết được mang tên Landau.
Các tiểu hành tinh 2142 (do nhà thiên văn học Xô viết Lyudmila Chernykh phát hiện ra năm 1972) mang tên ông: Lev Davidovich.
Trên Mặt Trăng có miệng Núi lửa Landau.
Một khoáng chất từ Nhóm Krichtonita (năm 1966), được đặt theo tên ông Landauit (tiếng Anh, Landauite).
Huy chương vàng Landau được trao tại Bộ phận Vật lý Hạt nhân, Viện Hàn lâm Khoa học Nga (từ năm 1998).
Tem bưu chính của Nga và Azerbaijan về Landau được phát hành (năm 2008).
Tiền xu kỷ niệm, dành riêng cho Lev Landau, phát hành tại Nga và Ukraina giá trị danh nghĩa 2 rúp (năm 2008).
Tên ông đã được đặt cho các đường phố của nhiều thành phố ở Nga và các nước khác. Đại lộ Viện sĩ Landau có tại Mátscơva (năm 2008). Đại lộ kỉ niệm lần thứ 50 của Liên Xô tại Kharkov mang tên Landau (năm 2015).