VÀI NÉT VỀ BỘ MÔN VẬT LÝ LÝ THUYẾT KHOA VẬT LÝ TRƯỜNG ĐHKHTN - ĐHQGHN

Thứ hai - 27/03/2017 22:27
Bộ môn Vật lý Lý thuyết (VLLT) được thành lập ngay sau khi Khoa Vật lý - Trường Đạl học Tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1956.
Bảo vệ Tiến sĩ về lý thuyết trường nám 2000
Bảo vệ Tiến sĩ về lý thuyết trường nám 2000
Người đã ra đề thi toán để tuyển sinh viên của khóa đầu tiên vào ĐHTH Hà Nội, Thầy Nguyễn Hoàng Phương là một trong những giảng viên toán lý đầu tiên của trường cũng chính là người tâm huyết với Vật lý hiện đại để lập nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết đầu tiên, bằng việc tập hợp những người yêu thích toán lý từ các trường đại học đóng tại Hà Nội, qua các buổi xê-mi-na về những thành tựu mới nhất của Vật lý hiện đại, buổi đầu tiên vào tháng 10 năm 1959. Các thành viên đầu tiên tham gia là: là Nguyễn Văn Hiệu, Lương Duyên Bình, Phạm Quý Tư, Vũ Thanh Khiết, Trần Hữu Phát, Nguyễn Phúc Hồng Dương. Năm 1961, thêm Đoàn Nhượng, Phạm Công Dũng, Đào Vọng Đức và Cao Chi về lý thuyết hạt cơ bản, và tính toán trong lý thuyết trường lượng tử. Nhóm nghiên cứu việc đào tạo sinh viên (SV) Vật lý của các nước tiên tiến trên thế giới, ví dụ như Liên Xô, Pháp, ... để thiết kế chương trình đào tạo theo các môn toán và vật lý cho SV khoa Vật lý nói chung và SV của Bộ môn VLLT nói riêng.
Năm 1962, Thầy Nguyễn Hoàng Phương-người tự học và là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ Luận án Phó tiến sỹ Toán lý ở tuổi 35 chuyên ngành Vật lý Lý thuyết và Vật lý toán  tại trường ĐHTH Lomonoshov. Tiếp đó, năm 1964, tại Viện Liên hợp hạt nhân Dubna, cộng tác viên Nguyễn Văn Hiệu cũng là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ  Luận án Tiến sỹ Toán lý1 ở tuổi 26. Bộ môn VLLT ra đời lúc đầu với nhiệm vụ giảng dạy các môn Toán và Vật lý cho SV Khoa Vật lý, và nghiên cứu khoa học theo định hướng vật lý hiện đại. Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Vật lý là Thầy Nguyễn Hoàng Phương, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý Lý thuyết,  Thầy Phạm Công Dũng – Phó Chủ nhiệm điều hành mọi việc của bộ môn.
Chủ nhiệm Bộ môn qua các thời kỳ: GS. TS. NGƯT. Nguyễn Hoàng Phương2, GS. TSKH. NGƯT. Nguyễn Văn Hùng, PGS. TSKH. Nguyễn Văn Hướng, GS. TSKH. NGƯT. Nguyễn Xuân Hãn, PGS. TS. Nguyễn Đình Dũng, GS. TS. NGƯT. Nguyễn Quang Báu, hiện đang là Chủ nhiệm Bộ môn VLLT.
Giảng dạy và đào tạo
- Giảng dạy các môn học Vật lý, các môn cơ sở của Vật lý lý thuyết, các môn Toán cho Vật lý, và các môn chuyên đề như Lý thuyết trường lượng tử, hạt cơ bản, vũ trụ học, Vật lý chất rắn thống kê lượng tử, vật lý hạt nhân và các phương pháp vật lý toán cho tất cả các hệ đào tạo từ Đại học cho đến sau Đại học và TS trong và ngoài trường, đồng thời hướng dẫn học viên Cao học làm Luận văn Thạc sỹ, NCS làm luận án TS thuộc chuyên ngành Vật lý Lý thuyết và Vật lý toán.
Các thầy cô giáo ở Bộ môn đã viết nhiều sách giáo khoa và giáo trình chuyên đề về Toán và Vật lý đủ để đào tạo các cấp học của Bộ môn, trong đó một số cuốn được sử dụng giảng dạy trong cả nước.
Trong sáu mươi năm thành lập và phát triển, Bộ môn đã đào tạo gần 40 TS/ 120 TS của cả Khoa Vật lý (lưu ý, các Luận án TS của bộ môn đều có ít nhất một bài báo ISI ) và 250 Thạc sĩ trong tổng số 1000 Thạc sỹ của Khoa Vật lý, và hàng trăm Cử nhân đang công tác tại các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các trường phổ thông, cùng các ngành, các cấp thuộc mọi miền đất nước… Bộ môn đã gửi đi đào tạo tiếp gần 30 SV tốt nghiệp, học viên Cao học đi làm NCS tại các nước tiên tiến như Ý, Mỹ, Pháp, Thụy Sỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan,... Hiện nay, Bộ môn có gần 20 NCS và mỗi năm gửi khoảng 2 - 3 em ra nước ngoài làm NCS. Nhiều em đã trưởng thành và tiếp tục công tác đào tào, nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình công bố trong các tạp chí có uy tín quốc tế, trong đó có cả tạp chí thuộc hệ thống tạp chí Nature! Bộ môn VLLT thực sự là một trong những trung tâm đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế và hàng đầu của ĐHKHTN-ĐHQGHN và trong toàn quốc. Lưu ý, chất lượng đào tạo còn thể hiện ở chỗ trong điều kiện khó khăn hiện tại của Việt Nam người được đào tạo đều biết cách làm việc khoa học và giảng dạy không thua kém với bất cứ người có cùng bằng cấp được đào tạo từ bất cứ nơi nào trên thế giới!
Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Cán bộ của Bộ môn VLLT là tác giả và đồng tác giả của khoảng 250 bài báo ISI (trong đó không ít bài được giới học thuật quốc tế trích dẫn), 500 bài báo trong nước, chủ trì khoảng 30 đề tài cấp nhà nước. Bộ môn hiện nay có 10 biên chế, song trung bình mỗi năm, số công bố trong năm khoảng 5 - 7 bài báo ISI, 15 bài báo trong nước và quốc tế, thực hiện 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước NAFOSTED so với tổng số 6 đề tài của cả Khoa Vật lý hiện nay, và một số đề tài khoa học cấp ĐHQGHN và cấp Trường ĐHKHTN. Bộ môn VLLT được ĐHQGHN công nhận là một trong tám nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN tại trường ĐHKHTN .
- Bộ môn VLLT có quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi, trao đổi cán bộ và trao đổi  khoa học với nhiều trường Đại học (ĐH) truyền thống như ĐHTH Bonn, ĐHTH Brown, ĐHTH Paris, ĐHTH London… và các Trung tâm nghiên cứu quốc tế lớn như Trung tâm VLLT Quốc tế mang tên Abdus Salam (ICTP) Trieste (Italy), Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), Geneva, Thụy Sỹ, Viện Liên hợp hạt nhân Dubna, (JINR), CHLB Nga... thuộc các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Đức, Nga, Ý, Pháp, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Hợp tác quốc tế được thể hiện qua vị thế đồng tác giả của các giảng viên ở bộ môn với các nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới của các nước kể trên, trong các công trình công bố quốc tế. Bộ môn VLLT thật sự là trung tâm nghiên cứu chất lượng cao và một địa chỉ được quan tâm trong giới học thuật quốc tế.
Một số nét tóm tắt trên có thể chưa đầy đủ về quá trình phát triển của một chuyên ngành lớn của Nhà trường nhưng mong rằng có thể là một tư liệu nhỏ để nhìn lại sự hình thành và phát triển của Bộ môn VLLT trong 60 năm qua mà chúng tôi đã và đang quyết tâm xây dựng, phát triển dưới mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và là trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) ngày nay.
image228
Thầy Nguyễn Hoàng Phương giảng bài năm 1960

A. Những người đã và đang tham gia xây dựng Bộ môn Vật lý lý thuyết, trưởng thành và góp phần nhỏ vào việc kiến tạo nền tảng của giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ Việt Nam, sánh vai với các cường quốc trên thế giới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: GS. VS. TSKH. Nguyễn Văn Hiệu - Nguyên Ủy viên BCHTW Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), là một trong những người có đóng góp trong việc tổ chức mạng lưới nghiên cứu khoa học tại nước ta; GS. VS. TSKH. Nguyễn Duy Quý - Nguyên Ủy viên BCHTW Đảng, nguyên là Giám đốc Trung tâm KHXH&NV Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); TS. Trần Đình Anh - Nguyên Viện trưởng Viện KHCN Quốc gia; TS. Nguyễn Quốc Anh - Nguyên Chánh Văn Phòng Bộ GD & ĐT; TS. Cao Vi Ba; GS. TS. Nguyễn Quang Báu - Chủ nhiệm bộ môn VLLT; GS. TS. Hà Huy Bằng - Chủ nhiệm Phòng thí nghiệm Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học; GVC. Nguyễn Công Bình; TSKH Hoàng Ngọc Cầm; Th.S Trần Trọng Chính; PGS. Phạm Công Dũng; PGS. TS. Nguyễn Đình Dũng; GS. TSKH Đào Vọng Đức - Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý; TS. Nguyễn Thu Giang; GS. TS. Nguyễn Ngọc Giao - Nguyên Hiệu trưởng ĐHTH TP Hồ Chí Minh, hiện là Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT TP Hồ Chí Minh; GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn - Nguyên ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục; GS. TSKH Nguyễn Văn Hùng; TS. Vũ Trọng Hùng; PGS. TS. Nguyễn Văn Hướng; GS. TS. Đào Tiến Khoa; GVC. Võ Liên; Th.S Đỗ Tuấn Long; TS. Lê Thị Mùi; Th.S Nguyễn Đình Nam; TS. Đoàn Nhượng; GS. TS. Vũ Xuân Quang - Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý; GS. TSKH Trần Hữu Phát - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam; GVC Nguyễn Chí Thành; TS. Nguyễn Duy Thắng - Hiệu trưởng của trường đào tạo nhân lực kỹ thuật tại Hà Nội; TS. Nguyễn Đình Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Văn Lang; TS. Phan Huy Thiện; GS. TS.  Nguyễn Văn Thỏa - Nguyên GĐ NXB ĐHQG HN; PGS. TS. Nguyễn Thế Toàn - GĐ Phòng thí nghiệm Trọng điểm cấp ĐHQGHN “Khoa học tính toán đa tỷ lệ cho các hệ phức hợp”; PGS. TS. Phạm Thúc Tuyền; PGS. TS. Lê Văn Trực; GVC Nguyễn Thị Tú Uyên; TS. Trần Văn - Nguyên GĐ NXB ĐHQGHN; TS. Lê Thị Hải Yến.
B. Những người từng là SV, NCS được đào tạo tại Bộ môn VLLT
PGS. TS. Nguyễn Bá Đức - Hiệu trưởng, ĐH Tân Trào; GS. TS. Vũ Văn Hùng - GĐ NXB GD; TS Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm khoa Lý, ĐHSP Đà Nẵng; TSKH Vũ Công Lập - Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Y Sinh; GS. TSKH. Nguyễn Văn Liễn; Đại tá, PGS. TS. Phan Hồng Liên - Nguyên Chủ nhiệm khoa, HV KTQS; Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Vũ Nhân - Chủ nhiệm khoa, HV PKKQ; GS. TS. Trần Công Phong, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam; GS. TS. Đặng Văn Soa - Hiệu phó ĐH Thủ Đô; GS. TS Đoàn Nhật Quang, nguyên GĐ Trung Tâm Vật lý Lý thuyết - Viện Vật lý, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến - Trợ lý Bộ trưởng Bộ GDh - ĐT; Dịch giả Phạm Văn Thiều - Tổng biên tập Tạp chí Vật lý & Tuổi trẻ; GS. TSKH Nguyễn Viễn Thọ - Nguyên GĐ ĐH Huế, PGS. TS. Lương Văn Tùng - Chủ nhiệm khoa Lý, ĐH Đồng Tháp, TS. Chandi Khamsansy - ĐHTH Viên Chăn (Lào); GS. TS. Eap Pona - Viện trưởng, Viện KHCN Campuchia; TS. Chhoumm Navy - Chủ nhiệm khoa Lý, ĐHSP Campuchia.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Quang Báu và Nguyễn Xuân Hãn

Nguồn tin: Hội Vật Lý

 Từ khóa: lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây