Hội nghị Quốc tế về Vật liệu Từ tiên tiến và Ứng dụng lần thứ 5

Thứ ba - 06/08/2024 08:37
Hội nghị ISAMMA2024 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức nhân dịp 30 năm thành lập (1995-2025)

Hội nghị Quốc tế về Vật liệu Từ tiên tiến và Ứng dụng lần thứ 5 (ISAMMA2024) tại Quảng Bình
 
Hội nghị ISAMMA2024 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức nhân dịp 30 năm thành lập (1995-2025) với sự tham gia của Chi hội Vật lý Từ học Việt Nam (VMS), Trường Đại học Công nghệ (UET, ĐHQG-HN), Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR, ĐHQG-HCM), Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU) và Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam (V-MRS).

 
gsthang
GS. TS. Nguyễn Hữu Đức (Chủ tịch Chi hội Vật lý Từ học Việt Nam) phát biểu khai mạc hội nghị.
 
gsthang1
GS. Phan Bách Thắng (Giám đốc Trung tâm INOMAR, ĐHQG-HCM) phát biểu

Tham dự hội nghị có GS. Atsufumi Hirohata (Chủ tịch Hiệp hội từ học thế giới, IEEE Magnetics Society), GS. Young Keun Kim (Chủ tịch Hiệp hội Từ học Châu Á, AUMS), GS. Nguyễn Quang Liêm (Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, VPS), PGS. Đoàn Đình Phương (Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam, V-MRS) và các GS Chủ tịch các Hội Từ học của Đài Loan, Hàn Quốc, In-đô-nê-xia, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc.

Hội nghị ISAMMA 2024 thu hút 315 nhà khoa học và doanh nghiệp, học giả hàng đầu của Châu Á và Thế giới đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 180 nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, In-đô-nê-xia, Ấn độ, Singapore, Thái Lan, Hồng Kong, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Philippines, Slovakia, Italy, Pháp, Anh, Đức,..như GS. Sang-Wook Cheong (ĐH Rutgers, Hoa kỳ và hiện là Tổng biên tập tạp chí npj Quantum Materials thuộc NXB Nature, Hindex = 134), GS. G. Jeffrey Snyder (ĐH Northwestern, Hoa Kỳ, Hindex = 141), GS. Liesl Folks (Phó Hiệu trưởng phụ trách chiến lược Công nghệ bán dẫn của ĐH Arizona, Hoa Kỳ), GS. Mathias Kläui (ĐH. Mainz, Đức, Hindex = 81), GS. Hyunsoo Yang (ĐHQG Singapore, Hindex = 67), GS. Masahiro Yamashita (ĐH Tohoku, Nhật Bản, Hindex = 71), Masaaki Tanaka (ĐH. Tokyo, Nhật Bản, Hindex = 92), GS. Yaroslav Tserkovnyak (ĐH UCLA, Hoa Kỳ, Hindex = 72), GS. Phan Mạnh Hưởng (ĐH South Florida, Hoa Kỳ, Hindex = 63),…

Tại hội nghị, các nhà khoa học đã trao đổi các nghiên cứu mới về Vật liệu Từ tiên tiến, Điện tử học spin, Vật liệu Từ mới nổi, Công nghệ Bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo để tái tạo năng lượng và ứng dụng từ tính nano sinh học trong chăm sóc sức khỏe con người. Lần đầu tiên trong khuôn khổ một hội thảo quốc tế về Từ học, hai bài giảng đặc biệt về "Chiến lược Phát triển Ngành công nghiệp Bán dẫn" (trong đó có Bán dẫn Từ và Công nghệ Spintronics, do GS. Liesl Folks - Phó Hiệu trưởng phụ trách chiến lược Công nghệ bán dẫn của ĐH Arizona - Hoa Kỳ, trình bày) và "Tạo dựng Giá trị Xã hội dựa trên Đổi mới Sáng tạo Khoa học Công nghệ" (do GS. Kyung-Ho Shin - Phó Hiệu trưởng Viện Khoa học Công Nghệ Daegu Gyeongbuk, Hàn Quốc) trình bày tại ISAMMA2024. Chủ đề về đổi mới sáng tạo và kết nối với doanh nghiệp đặc biệt được quan tâm thúc đẩy với nỗ lực tạo ra giá trị xã hội từ cảm hứng đổi mới sáng tạo.

Lĩnh vực nghiên cứu Từ học và Vật liệu Từ tính đã phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ trước với rất nhiều ứng dụng to lớn trong đời sống cũng như trong công nghệ, trong các thiết bị điện và điện tử (động cơ và máy phát điện, máy biến áp, ổ cứng và thiết bị lưu trữ thông tin; trong công nghệ thông tin và truyền thông (thiết bị đọc và ghi từ, nam châm trong loa và micro); trong y tế (máy chụp cộng hưởng từ, hạt từ tính trong điều trị ung thư); trong công nghiệp (nam châm làm cần cẩu nâng hạ, bộ lọc từ dùng để tách các hạt kim loại từ trong quá trình sản xuất); trong hàng không vũ trụ và quốc phòng (thiết bị đo lường và định vị - sử dụng trong các cảm biến từ trường và la bàn điện tử, nam châm vĩnh cửu trong các thiết bị điện tử quân sự đảm bảo độ tin cậy và hiệu suất cao)… Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nêu trên đã đến tham dự và trao đổi tại Hội nghị như AMI-AC Renewabies, HF Corporation, M Technology, AMST Vietnam, LMS Technologies Vietnam, T&N, Metrohm Vietnam, Horiba Vietnam,....

Theo GS. Nguyễn Hữu Đức, ISAMMA 2024 không chỉ có giá trị về khoa học đỉnh cao mà còn là sự kiện thúc đẩy tinh thần hội nhập và hợp tác bình đẳng của khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học trong châu lục và thế giới. Đây là cơ hội để thúc đẩy và tăng tốc các nghiên cứu và ứng dụng Vật liệu Từ cho công nghiệp Việt Nam.

GS. Phan Bách Thắng thông tin thêm về các phiên họp của Hội đồng ISAMMA và Ban Chấp hành Hiệp hội Từ học Châu Á (41st AUMS) đã xác định chiến lược và chương trình hành động trong giai đoạn 2025-2030 đồng thời xét tặng giải thưởng AUMS Awards 2024 trong khuôn khổ hội nghị ISAMMA 2024. Chi hội Vật lý Từ học Việt Nam đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ thứ 2. Đại hội đã bầu Ban chấp hành với 21 thành viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong toàn quốc, có cả thành viên là các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại các cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài như GS. Phan Mạnh Hưởng (ĐH South Florida, Hoa Kỳ), PGS. Lê Đức Anh (ĐH Tokyo, Nhật Bản),... Đại hội tiếp tục đề cử và bầu GS. Nguyễn Hữu Đức tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội.

Sơ lược về lịch sử của các hội nghị ISAMMA
Hội nghị ISAMMA đã được tổ chức lần đầu tiên năm 2007 tại Jeju (Hàn Quốc), lần thứ 2 năm 2010 tại Sendai (Nhật Bản), lần thứ 3 năm 2013 tại Taichung (Đài Loan), lần thứ 4 năm 2017 tại Phú Quốc (Việt Nam) và lần thứ 5 tại Quảng Bình (Việt Nam).

Tiền sử của Hội nghị ISAMMA là Hội nghị Quốc tế về Vật lý Vật liệu từ (International Symposium on Physics of Magnetic Materials - ISPMM) do GS. Minoru Takahashi Đại học Tohoku (Nhật Bản) khởi xướng năm 1987. Hội nghị ISPMM đã được tổ chức 5 lần tiếp sau đó vào các năm 1992 (tại Bắc Kinh, Trung Quốc); năm 1995 (tại Seoul, Hàn Quốc); năm 1998 (tại Sendai, Nhật Bản); năm 2001 (tại Taipei, Đài Loan) và năm 2005 tại Singapore.

Năm 2007, Hội nghị ISPMM đổi tên thành Hội nghị ISAMMA, do GS. Migaku Takahashi (con trai của GS. Minoru Takahashi) chủ trì.   

Đối với Việt Nam, GS. Nguyễn Hữu Đức đã tham gia Ban điều hành ISAMMA (Steering Commitee) từ hội nghị ISAMMA lần thứ nhất năm 2007 và là Trưởng ban tổ chức hội nghị ISAMMA lần thứ 4 năm 2017 tại Phú Quốc, Việt Nam.

Sơ lược về lịch sử của Chi hội Vật lý Từ học Việt Nam
Vật lý từ học bao gồm hai nhóm lĩnh vực: Vật lý Từ học, Vật liệu TừVật lý Siêu dẫn, trong đó lĩnh vực Từ học và Vật liệu Từ của Việt Nam đã hình thành và phát triển từ cuối những năm 1960 của thế kỷ trước. Chương trình đào tạo Đại học và Sau đại học cũng như nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực Vật lý Từ học, Vật liệu Từ và Vật lý Siêu dẫn đã được giảng dạy và triển khai tại ĐHQG Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở giáo dục đại học/Viện/Trung tâm khác trong cả nước.

Các nhà từ học Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở trình độ đại học và nghiên cứu phục vụ công cuộc xây dựng và thống nhất đất nước. Trong đó, thế hệ vật liệu từ mềm và từ cứng truyền thống như ferrit và AlNiCo đã được nghiên cứu chế tạo thành công và ứng dụng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Nhà máy Thiết bị Bưu điện... Đặc biệt, công trình nghiên cứu ứng dụng trực tiếp vật liệu từ của các nhà khoa học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vào việc phá thủy lôi và bom từ trường trong chiến dịch phong tỏa của Mỹ tại Cảng Hải phòng có ý nghĩa rất quan trọng.

Từ những năm 1980, các nghiên cứu về từ học và vật liệu từ phát triển mạnh mẽ trên các đối tượng vật liệu từ đất hiếm, vật liệu từ vô định hình, vật liệu từ dạng màng mỏng và cấu trúc nano, vật liệu điện từ đa pha (multiferroics).
Lĩnh vực nghiên cứu vật lý siêu dẫn thực sự có điều kiện phát triển kể từ năm 1986, sau khi có phát minh ra siêu dẫn nhiệt độ cao.

Trong nghiên cứu Vật lý, lĩnh vực từ học là một thế mạnh của khoa học Việt Nam. Tính riêng cho lĩnh vực này đã có một số giải thưởng KH&CN có giá trị như:
  • 01 Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN của nhóm cố GS.VS Vũ Đình Cự và PGS Nguyễn Xuân Chánh (Đại học Bách khoa Hà Nội) về công trình phá bom thủy lôi và bom từ trường.
  • 03 Giải thưởng Nhà nước về KH&CN của nhóm GS. TSKH Nguyễn Xuân Phúc – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (về vật liệu điện tử), của nhóm GS. TSKH Nguyễn Châu - Đại học Quốc gia Hà Nội (về vật liệu ferit và vật liệu có cấu trúc nano) và của nhóm GS. TSKH Thân Đức Hiền – Đại học Quốc gia Hà Nội (về vật liệu từ chứa đất hiếm).
  • Ngoài ra, GS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đã được tặng giải thưởng Giang Chấn Ninh (C.N. Yang Awards) của Hội Vật lý Châu Á Thái Bình Dương (AAPPS).
Các nhà từ học Việt Nam đã hội nhập quốc tế rất sớm, tham gia các Hội nghị khoa học, đọc báo cáo mời, xuất bản bài báo và sách chuyên khảo quốc tế.

Việt Nam đã tham gia các hoạt động của Ban Chấp hành Hội từ học Châu Á từ năm 2012 với tư cách quan sát viên và đã được bầu làm ủy viên dự khuyết năm 2017 và thành viên chính thức từ năm 2018.

Lần đầu tiên, Phân hội Từ học trực thuộc Hội Vật lý Việt Nam đã được thành lập năm 1986, do GS.VS. Vũ Đình Cự làm Phân hội trưởng.

Sau một thời gian hoạt động gián đoạn, ngày 27/6/2017, Hội Vật lý Việt Nam đã có Quyết định số 11/QĐ-HVLVN thành lập Chi hội Vật lý Từ học thuộc Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam.

Trong thời gian tổ chức hội nghị quốc tế ISAMMA 2017 tại Phú Quốc, Chi hội Từ học đã tổ chức đại hội và bầu BCH gồm có 19 thành viên, do GS TS Nguyễn Hữu Đức làm chủ tịch.

Lần này, Chi hội Vật lý Từ học đã tổ chức đại hội đại biểu và bầu BCH gồm có 21 thành viên, GS TS Nguyễn Hữu Đức tiếp tục làm chủ tịch.
 Một số hình ảnh của Hội nghị
 
1
 
3
 
4
 
5
 
6
 
7
 
8
 
9
 
10
 
11
 
12
 
13

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây