Hội Vật Lý Việt Nam

https://vpshvl.org.vn


Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế - ICTP

Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) là một Trung tâm nghiên cứu quốc tế về Vật lý và Toán học do nhà Vật lý lý thuyết đoạt giải Nobel - Abdus Salam khởi sướng thành lập năm 1964, nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp cho các nhà khoa học ở các nước đang phát triển những kỹ năng và cơ hội đào tạo liên tục cần thiết để họ say mê theo đuổi sự nghiệp khoa học lâu dài và hiệu quả. ICTP đã chứng tỏ như một lực lượng chính trong việc ngăn chặn sự chảy máu chất xám khoa học từ các nước đang phát triển.
Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế - the Abdus Salam International Centre for Theoretical Physics (ICTP)
Địa chỉ liên hệ
Địa chỉ bưu điện: Strada Costiera, 11
I - 34151 Trieste Italy
Phone: (+39) 040 2240 111
Fax: (+39) 040 224163
Website: http://www.ictp.it/
E-mail:
General Enquiries: sci_info@ictp.it
Office of External Activities: oea@ictp.it
Personnel Office: personnel_office@ictp.it
Public Information Office: pio@ictp.it
Research Sections: HECAP: rosanna@ictp.it; CMSP: cm@ictp.it; Math: math@ictp.it; ESP: esp@ictp.it
 
THÔNG TIN CHUNG VỀ ICTP
Thành lập
Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) là một Trung tâm nghiên cứu quốc tế về Vật lý và Toán học do nhà Vật lý lý thuyết đoạt giải Nobel - Abdus Salam khởi sướng thành lập năm 1964, nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp cho các nhà khoa học ở các nước đang phát triển những kỹ năng và cơ hội đào tạo liên tục cần thiết để họ say mê theo đuổi sự nghiệp khoa học lâu dài và hiệu quả. ICTP đã chứng tỏ như một lực lượng chính trong việc ngăn chặn sự chảy máu chất xám khoa học từ các nước đang phát triển.
ICTP nằm cạnh công viên Miramare ở vùng ngoại ô thành phố ven biển Trieste, gần điểm giáp ranh biên giới giữa ba nước Ý với Nam-Tư và Áo.
 
image003
Trụ sở tòa nhà chính của ICTP gần công viên Miramare ở thành phố Trieste
Chức năng nhiệm vụ
  • Thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu tiên tiến và nghiên cứu trong khoa học vật lý và toán học, đặc biệt là trong sự hỗ trợ nghiên cứu xuất sắc ở các nước đang phát triển.
  • Xây dựng chương trình khoa học cấp cao có tính đến nhu cầu của các nước đang phát triển, và cung cấp một diễn đàn quốc tế các mối liên hệ khoa học cho các nhà khoa học từ tất cả các nước.
  • Tiến hành nghiên cứu theo các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất và duy trì một môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học cho toàn bộ cộng đồng ICTP.
Cơ cấu tổ chức
ICTP hoạt động theo thỏa thuận ba bên giữa Chính phủ Ý, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Ban Chỉ đạo được thành lập từ các đại diện của ba bên, có nhiệm vụ đưa ra những chỉ đạo, hướng dẫn chung cho hoạt động của Trung tâm, xác định mức ngân sách, và xem xét đề xuất của Giám đốc về chương trình, kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính và ngân sách.
Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Trung tâm đại diện cho một phạm vi địa lý rộng lớn, có nhiệm vụ tư vấn cho Trung tâm về các chương trình hoạt động của mình trên cơ sở tính đến những xu hướng chính về học thuật, khoa học, giáo dục và văn hóa liên quan đến các mục tiêu của Trung tâm.
Cộng đồng khoa học tại ICTP bao gồm các nhà khoa học nghiên cứu thuộc biên chế theo các Phân ban của Trung tâm, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và các cộng tác viên mời ngắn hạn và dài hạn tham gia nghiên cứu độc lập hoặc nghiên cứu phối hợp tại Trung tâm.
Ban Giám đốc ICTP
image005
image007
Giám đốc
Dr. Fernando Quevedo
Phó Giám đốc
Seifallah Randjbar-Daemi
 
 
Các hướng nghiên cứu
Các hoạt động nghiên cứu và các sự kiện khoa học được thực hiện trong 6 Phân ban khoa học (Section):
  1. Vật lý Năng lượng cao, Vật lý Hạt-Thiên văn và Vũ trụ học (The High Energy, Cosmology and Astroparticle Physics - HECAP)
  2. Vật lý chất rắn và Vật lý thống kê (Condensed Matter and Statistical Physics  - CMSP)
  3. oán học (Mathematics - MATH)
  4. Vật lý hệ trái đất (Earth System Physics - ESP)
  5. Vật Lý Ứng dụng (Applied Physics - AP)
  6. Các lĩnh vực nghiên cứu mới
Ngoài nghiên cứu, các Phân ban còn tiến hành tổ chức quanh năm các hội nghị, hội thảo, seminar và colloquiums trong lĩnh vực tương ứng của mình.
ICTP thiết lập các giải thưởng nhằm tôn vinh và khuyến khích nghiên cứu cấp cao trong các lĩnh vực vật lý và toán học, như: Giải thưởng Dirac, Giải thưởng ICTP, Giải thưởng Ramanujan.
 
image010
GS. Abdus Salam, Giám đốc ICTP, nhà Vật lý đoạt giải Nobel trao giải thưởng ICTP năm 1991 cho nhà toán học trẻ tuổi của Việt Nam TS. Lê Hồng Vân
 
 
Các hình thức hợp tác quốc tế
  • Chương trình đào tạo trước tiến sỹ (Diploma course) cho các sinh viên xuất sắc được xét tuyển từ các nước đang phát triển về 4 lĩnh vực nghiên cứu chính tại ICTP: Vật lý năng lượng cao; Vật lý chất rắn; Vật lý các hệ trái đất; Toán;
  • Chương trình Đào tạo thạc sỹ và Tiến sỹ về vật lý và toán học
  • Chương trình hỗ trợ phát triển sự nghiệp khoa học cho các nhà khoa học của các nước đang phát triển, gồm chương trình Cộng tác viên cho các cá nhân (Associate scheme) và chương trình Liên kết cho tập thể nghiên cứu (Federation Scheme)
  • Tổ chức quanh năm các lớp học chuyên đề, hội nghị, hội thảo quốc tế
  • Chương trình thực tập trong các phòng thí nghiệm của ICTP và của các Viện, trường đại học của Ý.
  • Chương trình khoa học tiếp cận cộng đồng: ICTP đã hỗ trợ rất nhiều các hoạt động khoa học ở các nước đang phát triển trên khắp thế giới, bao gồm cả chương trình đào tạo, mạng lưới và việc thành lập các trung tâm liên kết.
 
Quan hệ hợp tác của Việt Nam với ICTP
Việt Nam là một trong các nước đang phát triển ở Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng tham gia tích cực các hoạt động khoa học tại ICTP. Trong giai đoạn 1970-2011 đã có 1123 nhà khoa học Việt Nam đến tham dự các hoạt động khoa học khác nhau tại ICTP, trong đó nữ chiếm khoảng 21% (trước năm 1982 chỉ có 6 người). Khoảng 70 nhà khoa học của Việt Nam là cộng tác viên của ICTP trong các giai đoạn khác nhau.
Có thể nói ICTP đã tiếp sức giúp nhiều nhà khoa học của Việt Nam phát triển và duy trì sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.
 
image012
Biểu đồ số lượng cán bộ khoa học Việt Nam tham dự các hoạt động khoa học tại ICTP (màu đỏ là số lượng nữ)
 
 
Tổng số tiền ICTP chi hỗ trợ cho tất cả các hoạt động khoa học tham dự của Việt Nam là 1.922.500 Euro (1996-2011), trung bình trên 120.000 Euro/1 năm.
support in Euro
Dạng hoạt động khoa học Số tiền (đơn vị Euro)
Tham dự hội nghị 22,500
Nghiên cứu sinh sau Tiến sỹ 132,000
Chương trình liên kết (Federation) 161,000
Chương trình TRIL 164,000
Chương trình external activity 243,000
Chương trình khóa học Diploma 370,000
Chương trình cộng tác (Associate) 411,000
Mời nhóm nghiên cứu 419,000
Tổng số 1,922,500
 
Hiện nay có 7 đơn vị nghiên cứu của Việt Nam được tham gia Chương trình Liên kết (Federation scheme) của ICTP, gồm:
  1. Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Công nghệ Việt Nam
  2. Viện Vật lý Tp. Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Công nghệ Việt Nam
  3. Khoa Vật lý, Đại học Quốc gia Hà Nội
  4. Khoa Vật lý, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
  5. Khoa Toán học, Cơ học và Tin học, Đại học Quốc gia Hà Nội
  6. Khoa Cơ học, Trường Đại học Khoa học, Hà Nội
  7. Khoa Toán, Trường Đại học Vinh
 
Hợp tác của Viện Hàn lâm KHCNVN với ICTP
Nhiều cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam, đặc biệt từ Viện Toán học và Viện Vật lý, đã sang ICTP tham dự các hoạt động khoa học tại Trung tâm quốc tế này. Các giáo sư đầu ngành như GS. Nguyễn Văn Hiệu, GS. Nguyễn Văn Đạo, GS. Đào Vọng Đức, GS. Hà Huy Khoái, GS. Ngô Việt Trung, GS. Lê Tuấn Hoa đã tham dự tích cực nhiều hoạt động của ICTP, và đã trở thành Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học các nước thế giới thứ ba (TWAS), một tổ chức có quan hệ chặt chẽ với ICTP.
Một trong những đóng góp đáng kể của ICTP đối với Viện Hàn lâm KHCNVN là đã hỗ trợ tài chính cho nhiều hoạt động khoa học tại Việt Nam như Hội nghị, lớp học quốc tế do các Viện chuyên ngành đồng tổ chức, đặc biệt ICTP thường xuyên hỗ trợ tài chính cho Lớp học Vật lý Việt Nam (Vietnam School Of Physics – VSOP do Viện Vật lý và Rencontre du Vietnam tổ chức) để đón tiếp giảng viên mời cũng như sinh viên nước ngoài tới Việt nam tham dự lớp học.
ICTP đã hợp tác với Viện Khoa học vật liệu, Viện Toán học, Viện Vật lý tổ chức 3 lớp học ICTP tại Việt Nam trong các năm 1998, 2006, 2009:
  • Các hệ xử lý thời gian thực trong vật lý dựa trên bộ vi xử lý: Lý thuyết và ứng dụng (South-East Asian Regional College on Microprocessor-Based Real-Time Systems in Physics – Theory and Applications, Hanoi,1998 do Viện Khoa học vật liệu đồng tổ chức)
  • Lớp học và hội thảo về tự đẳng cấu đa thức và các vấn đề liên quan (International School and Workshop on Polynomial Automorphisms and Related Topics, Hanoi, 2006 do Viện Toán học đồng tổ chức)
  • Lớp học trong vùng về Vật lý nano: Các khía cạnh lý thuyết và tính toán (Regional School on Physics at the Nanoscale:Theoretical and Computational Aspects,Hanoi, 2009 do Viện Vật lý đồng tổ chức)
 
Tháng 3 năm 2013 Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN GS. Châu Văn Minh và Giám đốc ICTP GS. Fernando Quevedo đã ký kết Bản MOU về hợp tác khoa học hai bên, trong đó có nội dung hai bên sẽ cùng nhau tổ chức các lớp học khu vực định kỳ tại Việt Nam luân phiên theo các lĩnh vực toán, lý, năng lượng, khoa học trái đất…
Theo tinh thần của bản MOU mới ký giữa VAST và ICTP, tháng 12 năm 2013 Viện Hàn lâm KHCNVN (thông qua Ban Hợp tác quốc tế và Viện Vật lý) sẽ cùng ICTP và APCTP tổ chức lớp học trong vùng tại Hà Nội về Vật lý lý thuyết: Các pha topo và tính toán lượng tử (Joint ICTP-VAST-APCTP Regional School in Theoretical Physics in Topological Phases and Quantum Computation)
 
image013
Lớp học trong vùng về Vật lý nano tại Hà Nội, 2009
 
 
Định hướng hợp tác với ICTP
Viện Hàn lâm KHCNVN đã ký MOU với ICTP về hợp tác đôi bên trong đó có việc tiến hành tổ chức thường xuyên các lớp học khu vực tại Việt Nam luân phiên theo các chuyên đề của Toán, Lý, Năng lượng, Khoa học trái đất…; trao đổi các ấn phẩm khoa học và hỗ trợ cho các nhà khoa học phát triển sự nghiệp nghiên cứu của mình. Ban Hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm KHCNVN sẽ phối hợp với các Viện chuyên ngành lên kế hoạch định kỳ và dài hạn cho việc lựa chọn các chuyên đề để tổ chức các lớp học tại Việt Nam và phối hợp với ICTP để đưa vào kế hoạch thực hiện trước 1-2 năm.
Là nước đang phát triển, Việt Nam cần hợp tác và tận dụng tối đa sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đại diện cho thế giới thứ ba trong lĩnh vực khoa học cơ bản, trong đó ICTP là một Trung tâm khoa học quốc tế có môi trường nghiên cứu khoa học quốc tế tiên tiến. Cũng như Trung tâm Vật lý lý thuyết Châu Á-Thái Bình Dương (APCTP), ICTP sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ xây dựng một trung tâm chi nhánh tại Việt Nam. Đây có thể là một mục tiêu để Việt Nam phấn đấu nhằm xây dựng một chi nhánh khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam, giống như ICTP đã mở chi nhánh tại Brazil cho khu vực Nam Mỹ.

Tác giả bài viết: Hội Vật Lý Việt Nam

Nguồn tin: Hội Vật Lý

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây